Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

lòng thương xót



LÒNG THƯƠNG XÓT
              Một cách tiếp cận tâm hồn.

 suy niệm Tin Mừng  (Lc15,11-32)

Tin Mừng thánh Luca được mệnh danh là thông điệp của lòng thương xót.
Thật vậy, xuyên suốt Tin Mừng Luca đã mang đậm nét về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đặc biệt là dụ ngôn ở chương 15  đã diễn tả thật hùng hồn, lẫn tinh tế  tình thương xót vô biên của Ngài,
qua những hình ảnh vui mừng của người chăn chiên  khi tìm được con chiên lạc trở về, người đàn bà mừng rỡ khi tìm được đồng bạc bị đánh mất. Nhất là hình ảnh của người cha vui mừng khôn xiết  khi tìm được những đứa con đã mất. Qua đó tác giả Luca như muốn trình bày cho chúng ta thấy rõ một cách thế tiếp cận tâm hồn cho một sự đồng hành của lòng thương xót.
Bởi vậy, khi đọc đoạnTin Mừng này, chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn lại chính mình đã bao lần không cảm nhận được tình thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đồng thời không khỏi cảm động trước những cách thế tiếp cận của Ngài.
  Dụ ngôn đã xây dựng được tính cách rất sắc sảo của người con cả và người con thứ , điển hình cho hai trạng thái của tâm hồn trong tương quan với Thiên Chúa, hai giai đoạn trong hành trình thiêng liêng, hai tình trạng rất thực của con người mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có những lần kinh qua. Đồng thời diễn tả một cách độc đáo về lòng thương xót của Thiên Chúa trong cách thế tiếp cận với tâm hồn chúng ta, qua hình ảnh của một người cha thật tuyệt vời.

1- Người con thứ - trạng thái tâm hồn phân tách

Người con thứ, biểu hiện cho hướng đi của tâm hồn ngược lại với những tác động của Thần Khí. Một tình trạng “phân tách”xa lìa đối với Thiên Chúa.
 Anh đã thưa với cha:  “Thưa cha, xin cha chia cho con phần gia sản con được hưởng”( câu 11).  
Dám xin cha một điều mà theo truyền thống Đông Phương lẽ ra anh không được phép xin.Vì khi cha còn sống thì không thể chia gia sản cho con cái.
 Điều này chứng tỏ rằng chính anh đã cảm nhận được tình thương quá lớn của cha, và anh đã dám nại vào tình thương lớn lao đó để xin một điều theo lẽ thường tình mình không được phép xin.
 Cảm nhận được tình thương lớn lao của cha,  có thể xem đó là một khởi điểm tốt trong hành trình của anh. Thế nhưng, thay vì cảm nhận để sống xứng đáng hơn thì anh lại lạm dụng tình thương đó để đòi cha chia gia sản cho anh và quyết định “ra đi” sống xa vòng tay của cha.
Có lẽ một chân trời bên ngoài nào đó đã quyến rũ anh, mà anh chưa biết cảnh tỉnh phân định. Những đam mê  đã dẫn dắt anh đến quyết định chọn lựa hướng “ ra đi”  xa lìa cha anh. Tình trạng của một tâm hồn phân tách. Một tình trạng  đi hoang.
Nỗi xót xa và đau thương, hệ tại bởi anh đã sử dụng tất cả những hồng ân Chúa ban thay vì để phụng sự và vinh danh Chúa, thì ngược lại anh đã  phung phí để tìm kiếm những hào nhoáng thế gian, sự hưởng thụ trác táng.
Quyết định của anh là chọn lựa một hướng đi ngược với những tác động của Thần Khí. Chọn lựa một chân trời nơi đó không có sự hiện ngụ của Cha, và dĩ nhiên là cuộc sống chỉ có những hoạch định của chính mình cho một tìm kiếm những sự ngoài Thiên Chúa, những thỏa mãn  đam mê của một bầu trời tự do thuần thế trần.
Mỗi lần chúng ta có những quyết định chọn lựa không xuất phát từ  sự thúc đẩy của Thiên Chúa, đó là những lần chúng ta đang sống trong cảnh đi hoang và trạng thái phân tách trong tương quan với Ngài.

- Sự tiếp cận của lòng thương xót - một nghệ thuật đồng hành

Trước tình trạng đi hoang , Cha anh đã thế nào? Sự tiếp cận của tình thương Thiên Chúa ra sao?
Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của chúng ta, Ngài vẫn sẵn lòng chia của cải và chấp thuận để chúng ta có một trải nghiệm do quyết định của chính mình, dù đó là những bước trải nghiệm lầm lạc. trải nghiệm của một trạng thái “tâm hồn phân tách”.
Nhưng tình thương quá lớn của Thiên Chúa vẫn sẵn lòng dõi theo, đồng hành một cách âm thầm, và chờ đợi đến khi chúng ta bừng tỉnh trở về. Đó là một cuộc song hành tuyệt diệu do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa trong những trải nghiệm phiêu lưu lầm lạc của mỗi chúng ta.
Thật thế, trong hành trình sống của mỗi chúng ta,Thiên Chúa thấu suốt mọi sự. Ngài vẫn có đó, vẫn hiện diện  đồng hành cả khi chúng ta đi xa Ngài.  Ngài vẫn có vẻ như im lặng trước những bồng bột của chúng ta. Một sự im lặng đầy tính thuyết phục của tình thương.Và đó là một nghệ thuật đồng hành tuyệt diệu của lòng thương xót.
Một cách thế Đồng hành để lắng nghe thật sâu thẳm cả những tiếng thét gào, sóng vỗ, những rũ mời phân cách, những bóng tối len lỏi, và rên xiết của phận người, cùng với những tiếng “rên xiết khôn tả” của Thần Khí ( Rm8,26).
Đọc tiếp những diễn tiến của dụ ngôn này, chúng ta hãy nhập cảnh  để nếm cảm  sự tiếp cận thực sự của Thiên Chúa trên mỗi tâm hồn. Hãy lặng yên ngắm nhìn một sự tương đồng, đối kháng trong tương quan của người cha và đứa con yêu dấu của ông.
Khi đứa con thứ quyết định “trẩy đi phương xa”,lúc nó đã chọn hướng lìa xa cha nó. Nhưng người cha vẫn thật gần với nó.Ông đã cho nó của cải để mang theo, một phương tiện cần thiết để nó có thể ra đi.
Của cải mà người cha cho nó, như một tình yêu của ông tháp nhập theo hành trình của nó, để bảo hộ cho cuộc sống của nó ở nơi phương xa ấy.Người cha cứ vẫn bước theo con, những “bước”thật dài của lòng xót thương để dõi trông nó từng ngày. để cùng đồng hành với nó. Những bước chân của cha là những bước kiên nhẫn đợi chờ !là những bước im lặng dõi theo. Những bước trước của lòng khiêm tốn và tình xót thương.
Mặc dù nơi bản văn Tin Mừng đã không mô tả về những bước chân của người cha theo con. Nhưng chắc chắn rằng trong hành trình của nó, ông đã cùng bước để đồng hành với nó. Bằng chứng là lúc nó trở về, khi nó chưa nhìn thấy ông, thì ông đã “trông thấy nó”.
Lúc “anh ta còn ở đằng xa thì người cha đã trông thấy” (câu 20)
Cái  “Đằng xa” của anh, mang nhiều chiều kích: không gian, thời gian và ngay cả tình trạng của một tâm hồn. Một tâm hồn đầy thương tích đớn đau khiến anh không thể đến gần cha anh được. “Đằng xa” đã định vị cho một khoảng cách do hậu quả của quá khứ mà anh chưa được chữa lành.“Đằng xa”ở đây, cũng chính là vị trí bất xứng “đứng xa xa”  của người thu thuế trong đền thờ cầu nguyện.”
 Đằng xa” của  một khoảng cách cho những kinh nghiệm với Thiên Chúa.Cái khoảng cách mà chính Tông Đồ Phêrô đã nhận ra khi đối diện  thực sự với Thiên Chúa :
“ Lạy Chúa! Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”( Lc 5,8).
 Cái “đằng xa mà chính chúng ta bất lực không thể đến được với Thiên Chúa. Thì Ngài đã chủ động đến trước. Một khoảng cách của trạng thái “tâm hồn phân tách” trong tương quan với Ngài. Và đây chính là giới hạn của thân phận con người, để đợi chờ một sự gần gũi khả thi đến từ Thiên Chúa và sự chủ động của Ngài.
người Cha đã trông thấy” Ông  đã trông thấy khi con ông đang còn ở “đằng xa” với tất cả trạng thái hiện thực.Chính điều nhìn thấy này mà đã làm cho Ông“chạnh lòng thương !”trái tim của Ông run lên bần bật!  và ông chỉ có thể chạy ra ôm lấy con. Đây là một cử chỉ tuyệt đỉnh của lòng xót thương không còn một cử chỉ nào diễn tả hơn thế nữa.
Ông đã thấy nó với tất cả hiện trang, đó không phải là những bước đồng hành cùng nó sao?
Những lúc nó hỉ hoan ăn chơi trác táng là lúc cha nó xót xa đợi chờ !...Những lúc nó lâm cảnh nghiệt ngã của kiếp nô lệ, là lúc cha nó cũng lâm cảnh xót xa không kém !. Lúc nó đói  và ao ước lấy đậu muồng heo ăn, là lúc cha nó còn đói hơn vạn lần, cơn đói của lòng   xót xa  mong mỏi nó trở về.
Những lúc lòng anh thét gào, sóng vỗ, dập vùi bao thương tích. Chắc hẳn lòng Cha cũng quằn quại không kém để thét gào gọi mời?
Lúc mà những “Quằn quại rên xiết của phận người” vang lên, thì cũng là lúc vang lên những “quằn quại rên xiết của Thần Khí”.
 Khi nó còn ở “đằng xa”, lúc nó còn lê những bước chân trở về thật mỏi mệt, thì cha nó đã cất những bước chạy thật nhanh để ra ôm chầm lấy nó. Lúc nó chưa kịp nhận ra cha, Thì người cha đã trông thấy nó với tất cả thực trạng. Lúc nó còn một khoảng cách thật xa với cha, thì người cha đã chạy lại để xóa bỏ khoảng cách ấy. Lúc nó không thể đến được với cha thì cha đã đến với nó.
Những hình ảnh thật tương phản, nhưng lại vẫn cứ tương đồng. Điều đó không phải là những điều cảm động nhất đối với mỗi chúng ta sao?  Hãy lặng yên để cho lòng chúng ta rung cảm!
Đồng hành là thế! Tiếp cận của lòng thương xót vô biên là như vậy!
 Ông chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để”( câu 20)
Đây là đỉnh cao tuyệt diệu cho một sự tiếp cận do lòng thương xót!. Một sự kết hiệp huyền nhiệm giữa Thiên chúa và con người !
Chúng ta hãy nhập cảnh và cảm nếm !...để thấy rằng : Thiên Chúa đã ngụp lặn trong tâm hồn, và nó không còn tình trạng phân tách nữa ! Đó là điều kỳ diệu của tình thương vô biên mà chúng ta không thể hiểu thấu…!
Đó  chính là một sự đồng hành thực sự do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
 Đồng hành để nâng con người lên gần với Thiên Chúa.
 Hãy để cho Thiên Chúa tiếp cận tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn mang nhiều thương tích !
Hãy để cho Thiên Chúa tiếp cận tâm hồn chúng ta ngay cả khi ta còn nhiều giới hạn. Và điều chắc chắn sau đó là chúng ta sẽ được Ngài dẫn dắt để phục hồi trong các mối tương quan khác,  được thông chia, cảm nhận trong niềm vui lớn lao của một người cha đã tìm thấy người con mà ông đã mất.Và chúng ta sẽ được rạng rỡ, hạnh phúc trước mặt các giai nhân, đầy tớ và láng giềng.
mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,xỏ nhẫn vào ngón tay, mang dép vào chân cậu, rồi… mở tiệc ăn mừng” (câu22-23)
Một hạnh phúc thật lớn mà tác giả Luca đã trình bày thật khéo léo đầy tinh tế như muốn diễn tả một đường lối sư phạm của lòng thương xót, một nghệ thuật đồng hành do lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa để dẫn con người lên gần với Thiên Chúa và được mở ra trong tương quan với con người.
 Hãy biết để cho Thiên Chúa tiếp cận chúng ta, rồi chúng ta sẽ biết cách tiếp cận với người khác. Hãy biết cùng đồng hành với Thiên Chúa và chắc chắn chúng ta sẽ có những kinh nghiệm để cùng đồng hành với người khác.

2- Người con cả. Trạng thái tâm hồn xơ cứng lối mòn

Người con cả biểu trưng cho trạng thái tâm hồn xơ cứng lối mòn. Anh không quyết định rời xa cha. Anh ở gần bên cha, phụng dưỡng cha mỗi ngày, nhưng tâm hồn anh lại xơ cứng với những lối mòn cũ kỹ của bổn phận, tình yêu nhạt nhòa và chẳng có sáng tạo. Như thế  tâm hồn anh chẳng có cùng một nhịp đập với cha anh.
Chọn lựa căn bản của anh là chọn lựa ở bên Cha. Khởi đi là một chọn lựa đẹp ! Chắc chắn anh đã từng cảm nhận tình thương lớn lao của Cha đối với anh, nên anh mới có sự chọn lựa tốt đẹp này. Hướng đi căn bản ban đầu của tâm hồn anh là hướng cùng chiều với những tác động của Thần Khí. Thế nhưng ngay trong hướng căn bản tốt lành vẫn không loại trừ tác động của thần xấu đan xen lôi kéo, mà anh đã không cảnh tỉnh biện phân đủ, để ngày ngày trở nên chỉ còn là những lối mòn xơ cứng, khiến anh cũng không thể tương quan đích thực đúng nghĩa với cha anh được. Ở bên cha nhưng lòng anh lại không cùng nhịp đập với cha. Tương quan cha con nhưng thực lại là tớ chủ.
Đó chính là điều bi thảm cho những tâm hồn thánh thiện nhưng lại thiếu những cảnh tỉnh biện phân để chọn lựa mỗi ngày.
Lối mòn xơ cứng làm cho anh không những không sống được tương quan đích thực với cha mà cả với em của anh nữa. Sự đỗ vỡ trong tương quan với Thiên Chúa sẽ dẫn đến đổ vỡ trong tương quan với con người. Anh đã không mở lòng để đón nhận sự trở về của đứa em đáng thương đáng quý kia. Ở nhà, nhưng anh đã không chịu vào nhà. Đây cũng là trạng thái thường gặp nơi tâm hồn mỗi chúng ta.
Mỗi lúc chúng ta sống với Chúa chỉ là bổn phận. Mỗi lúc chúng ta không vui được với hạnh phúc cơ may của người khác. Mỗi lúc chúng ta không sống cùng với nhịp đập của Thiên Chúa trong yêu thương…vv

- Sự tiếp cận của lòng thương xót – nghệ thuật đồng hành

Thái độ của người Cha thế nào?
Sự tiếp cận của lòng thương xót Chúa biểu lộ ra sao?
Chúng ta hãy chiêm ngắm và nhập cảnh để cảm nhận một cách thế tương phản của Thiên Chúa đối với trạng thái xơ cứng nơi tâm hồn. Để cảm ra tình thương bao la tuyệt vời của Ngài.
 Dường như đối với những tâm hồn xơ cứng thì Thiên Chúa lại tỏ ra rất mềm mại để tái tạo một sự quân bình mới mẻ cho chúng ta.
Người cha đã chịu  “bước ra” năn nỉ để cho đứa con của ông chịu “bước vào” nhà. Và từng bước, từng bước mềm mại của đối thoại, Ông đã đặt con trai của ông phải suy nghĩ lại trong cái nhìn của chính nó. ông đã chọn lựa từng lời tương phản để đối thoại tương đồng với nó.
Nó nói: “ cha coi đã bao năm con hầu hạ cha…”
 cha trả lời  :“ con à, lúc nào con cũng ở với cha”.
Khi người con cả thốt lên : “còn thằng con của cha…”
 thì người cha trả lời : “ phải vui mừng vì em con đây…”
Cũng thế khi người con cả tính toán: “chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê …”
Người cha giải thích : “ tất cả những gì của cha đều là của con…”
Cách tiếp cận của lòng thương xót là thế!
Nghệ thuật đồng hành là thế !
 Thiên Chúa đồng hành với con người. Ngài đã chịu “ bước ra” cùng với trạng thái của phận người, để thông chia và lắng nghe nơi sâu thẳm  tâm hồn chúng ta những tiếng rên xiết xơ cứng nghiệt ngã của phận người mang thương tích. Để đón nhận và gánh lấy tất cả những thương tích ấy. Để  cùng làm vang lên những tiếng “rên xiết khôn tả của Thần Khí”. hầu giúp tái tạo mang lại cho chúng ta  một trạng thái mới,  an bình và triển nở.
Hãy biết để cho Thiên Chúa cùng đồng hành với chúng ta trong những trải nghiệm đớn đau của phận người. trong những trạng thái hiện thực của tâm hồn  Và trong tất cả những gì thực sự chúng ta “Là”.  Cả trong những ân sủng Ngài ban. Để rồi chúng ta cũng sẽ biết cách trải nghiệm đồng hành cùng với người khác, hầu giúp nhau thăng tiến và triển nở hơn.
Suy niệm Tin Mừng hôm nay trong chiều kích một sự tiếp cận do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, mỗi chúng ta được mời gọi  can đảm để nhận diện trạng thái của chính mình trong tương quan với Thiên Chúa. Để cảnh tỉnh biện phân và chọn lựa mỗi ngày.
Thực ra  hình ảnh của hai người con trong dụ ngôn, hai trạng thái tâm hồn mà chúng ta cần nhận diện không tách rời nơi mỗi người chúng ta. Phút lắng đọng để nhìn lại cuộc sống chính mình có những lúc ta bắt gặp mình trong trạng thái của người con cả và cũng không ít lần chúng ta thấy mình đang trong trạng thái của người con thứ.
Quả thế ! và bên cạnh đó lời mời rên xiết của Thần Khí vẫn cứ vang lên, vang lên trong mỗi trạng thái đặc thù và trong mỗi hoàn cảnh cuộc sống ta.
 Hãy biết khát khao trở về, và hãy biết để cho Thiên Chúa tiếp cận chữa lành, nhào nắn, tái tạo và giúp chúng ta ngụp lặn trong tình thương vô bờ của Ngài. Và hãy biết khát khao để học nơi Thiên Chúa một cách tiếp cận tâm hồn, để danh Chúa được rạng sáng hơn. Amen

-Maria Bernadet-












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét