ĐÍCH ĐIỂM CỦA ÂN SỦNG và LÒNG
TIN
( Suy niệm
Tin Mừng Chúa nhật thứ XXVIII thường niên)
Thánh Luca khi viết Tin Mừng
vẫn nhắm đến cho dân ngoại để trình bày một ơn cứu độ phổ quát dành cho tất cả
mọi người. Đó là nét đặc thù của Tin Mừng Luca so với các Tin Mừng Nhất Lãm.
Quả thế, Ở đoạn Tin Mừng này
thánh Luca đã trình bày Đức Giêsu như đi qua
biên giới mọi rào cản của ơn cứu độ phổ quát. Biên giới giữa người Do
Thái và dân ngoại. Điều mà trên thực tế họ vẫn nghi kỵ,phân cách và loại trừ
nhau.
“ Trên đường đi lên
Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari
và Galilê” (câu 11). Có lẽ đây là chủ
đích nổi bật ơn cứu độ phổ quát mà thánh sử Luca muốn diễn tả. Theo mạch văn
kể, thì dường như Đức Giêsu có vẻ cố tình để đi qua biên giới giữa Samari và Galilê. Cái biên giới đi qua không
phải chỉ là biên giới của lộ địa, mà còn là biên giới của lộ trình cứu độ.
Biên giới giữa người sạch và
người ô uế bị loại ra khỏi cộng đồng.
Đức Giêsu còn đi qua biên
giới của lòng người, ranh giới của những
lời mời gọi, nơi những tiếng lòng sâu thẳm đang vang lên...nơi tranh tối tranh
sáng, sự thiện và sự ác. Để hướng con người về nguồn ơn cứu độ. Và hành động
Đức Giêsu đi qua biên giới ấy được quy
về và chi phối bởi Giêrusalem, nơi đã
xảy ra những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa.
Điều đó cho thấy rằng ơn cứu độ phổ quát được xuất phát từ biến cố tử nạn và phục sinh
của Đức Giêsu. Và Giêrusalem chính là khởi điểm để Lời Chúa loan báo cho các dân ngoại “ các con sẽ là
chứng nhân của Ta ở Giêrusalem trong toàn cõi Giuđê,trong xứ Samari, cho đến
tận cùng trái đất” (Cv1,8)
Ngài đã “đi qua biên giới” Samari và Galilê để chờ
đợi mười người phong hủi kia đến với Ngài. Ngài mở trước cho họ một cơ hội.
Đúng thế, chúng ta chỉ có thể đến gặp được Ngài khi chính Ngài mở trước lối cho
chúng ta. Có lẽ Đức Giêsu đã từng nhiều lần khơi gợi lên trong lòng những người
phong cùi xấu số bị xã hội ruồng bỏ ấy một niềm khao khát được gặp Ngài, một
niềm cậy trông tin tưởng vào quyền năng chữa lành của Ngài. Để rồi họ hy vọng và chăm chú lắng nghe những thông tin
về Ngài qua những người xung quanh. Mặc dù bệnh tật ô uế của họ đã bị luật lệ buộc cách ly, không
được phép vào những nơi đông người. Nhưng họ vẫn lân la để lắng nghe và đón gặp
người.
Họ dừng lại từ đằng xa. Và từ
nơi xa tít của biên giới ngăn cách lớn lao đó, họ đã kêu lớn tiếng nài xin : “Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng thương chúng tôi”.
Lời kêu xin thống thiết của
họ bỗng nhiên cũng được trở thành một lời
khởi điểm để vượt qua những biên giới. Họ đã khởi điểm từ lúc nào không
ai rõ...? nhưng người ta đã thấy được trong nhóm họ có cả người Do Thái lẫn
người Samari. Người ta nhìn thấy họ dám cả gan kéo nhau vào làng để đón gặp Đức
Giêsu. Và bây giờ người ta nhìn họ tựa
nương vào nhau để đồng thanh lớn tiếng kêu xin... Người ta nghe rõ lời cầu xin
của họ là lời cầu chung cho cả nhóm người
“xin dủ lòng thương chúng tôi” không còn phân biệt do Thái
hay dân ngọai.
Lời cầu của một cõi lòng
trong họ, cũng là lời xin chung cho cả mười cõi lòng. Và như thế mười cõi lòng
cầu xin của họ đã được nhân lên mười lần nữa trong trong ân sủng của Thiên
Chúa. Đó chính là tâm tình mà Đức Giêsu đã dạy : “ Lạy Cha chúng con ở trên
trời”. Đó cũng là lời cầu xin được chính
Thánh Thần Chúa thúc đẩy. Trong đó, họ nhận ra một hòa điệu chung của tất cả
những người cùng khốn không phân biệt Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do,
đàn ông hay đàn bà...vv Tất cả đều cần được ơn cứu độ của Thiên Chúa
Cùng một niềm tin vào Đức
Giêsu là Đấng có thể giải thóat cho họ khỏi nỗi thống khổ đau đớn, bệnh tật, bị
loại trừ ra khỏi cộng đồng. ..vv Họ đã
vượt qua biên giới rào cản để nhận được
ân ban chữa lành. Và cũng là khởi điểm
cho một hành trình đức tin của họ
Tin Mừng kể lại rằng: “ thấy
vậy Đức Giêsu bảo họ : “hãy đi trình diện với các tư tế” đang khi đi thì họ
được sạch” ( câu 15) Chúa Giêsu không chữa họ ngay lập tức nhưng truyền cho họ
một lệnh phải theo và nếu thực hiện đầy
đủ họ sẽ được lành bệnh. Thực vậy người mắc bệnh phong cùi phải đi trình diện
với các thượng tế không phải để được chữa lành, nhưng để được xác nhận là đã
được khỏi. Vậy khi truyền cho họ phải vâng theo một điều của lề luật như thể họ
đã được chữa lành rồi, Chúa Giêsu đòi họ một hành vi vâng phục trong đức
tin. Và hành vi vâng phục trong đức tin
ấy được chứng tỏ qua sự vâng phục của lề luật. Họ được chữa lành khi thực hiện
những gì lề luật dạy.
Thật vậy, hành trình đức tin
khởi đi từ việc nhận ra mình yếu hèn cần đến lòng thuơng xót của Chúa để nài
xin. Nhưng đây mới chỉ là khởi điểm, chưa phải là đích điểm của lòng tin. Cả
mười người phong cùi đều xuất phát từ một khởi điểm như nhau, đó là cần được
thương xót, nhưng tiếc thay đạt đến đích
điểm của lòng tin lại chỉ có một người. Chỉ
một người Samari khi được lành sạch đã quay trở lại để tôn vinh và chúc
tụng Chúa!. Chỉ duy người Samari đã nhận
ra một biên giới rào cản khác thâm sâu hơn. Đó là cái biên giới nơi nội tâm
của lòng mình, để vượt qua, khát khao và
trở về với một cuộc gặp gỡ đích thực. Và trong sự gặp gỡ thẳm sâu này anh đã
được chữa lành trọn vẹn. Đức Giêsu đã nói với anh : “ đứng dậy về đi, lòng tin
của anh đã cứu chữa anh”
Anh đã đi đến đích điểm của lòng tin. Để đạt đến
đích điểm ấy anh phải trải qua một cuộc “quay trở lại” gặp gỡ thực sự với Đấng đã rộng ban ân huệ
cho anh. Đây chính là một hành trình thật quan trọng trong đời anh, lớn hơn mọi
hành trình khác. Và chính trong hành trình này anh đã nhận ra Đức Giêsu là
Thiên Chúa. Và lời mà anh lớn tiếng tôn vinh bây giờ không còn là với “Thầy
Giêsu nữa” mà là “tôn vinh Thiên Chúa” (câu 15) Đấng đáng cho anh chúc tụng,
suy phục và tôn thờ. Cử chỉ “anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” là một cử chỉ của một hành vi được hoán cải
để chứng thực một cam kết từ nay cuộc đời anh hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài. Một
sự lệ thuộc tín thác nơi Thiên Chúa. Có
thể nói đó cũng là hành vi nói lên thái độ của một tôi trung thưa lên lời đáp trả của đức tin.
Và một lời tạ ơn sâu xa được
vang lên nơi cuộc đời của một người dân ngoại. Ở đây thánh Luca cũng muốn mở ra
một tầm nhìn mới trong tương lai đó là Tin Mừng được khai mở cho lương dân và “
người ta sẽ từ phương Đông phương Tây , từ phương Bắc phương Nam kéo đến và
được dự tiệc trong vương quốc của Thiên Chúa” (Lc13,29)
Suy niệm Tin Mừng hôm nay,
Chúng ta cũng được mời gọi đi qua những biên giới... để đến đích điểm của lòng tin, hầu góp phần
trong một tầm nhìn mới của ơn cứu độ phổ quát, khai mở cho lương dân...
“Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng thương chúng con !”
Xin thêm đức tin cho con và
dẫn dắt con đi...
Xin cho con đừng chỉ dừng lại ở những gì được luật
pháp xác chuẩn. Nhưng hãy dẫn con đi trong hành trình thâm sâu hơn của một cuộc
“trở lại” và “gặp gỡ”, để con được hoàn toàn thuộc về Chúa. Hầu danh Chúa vinh hiển hơn. Amen
M. Bernadet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét