Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

BIỆN PHÂN CẦU NGUYỆN



BIỆN PHÂN CẦU NGUYỆN
(suy niệm Tin Mừng Chúa nhật  XXX thường niên
Luca 18,9-14)

Biện phân  cầu nguyện là một nghệ thuật để nhận biết sự giả trá của những cảm xúc ở nội tâm chúng ta, trong mối tương giao với Thiên Chúa. Có những hình thái giả trá thật tinh vi, khiến chúng ta không kiểm soát được chính mình. Nó lẹ làng đi vào thật khẽ và ẩn nấp dưới những dạng thật đẹp mà chúng ta không ngờ đến. Đó chính là những thực trạng bi đát, sự yếu đuối và mỏng manh của phận người.
Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, là một điển hình sắc nét cho những hình thái  trong đời sống cầu nguyện.
 Chúa Giêsu đã giáo huấn cho các môn đệ của Ngài một phương cách thật  bén nhạy, để có thể tỉnh thức và biện phân đâu là thái độ cầu nguyện đích thực.
Có thể nói đây là một giáo huấn rất thực tế cho những ai muốn sống đời cầu nguyện, phân định ý Chúa.Và cho những ai muốn trở nên  một người bạn thiết nghĩa của Ngài. Để hiểu được giáo huấn này chúng ta cần phải xác định cầu nguyện là gì và đâu là điều chính yếu của cầu nguyện ?
 Có nhiều câu trả lời cho định nghĩa này, Nếu chúng ta đọc  các tiểu phẩm của các vị thánh trong  Giáo Hội sẽ thấy được vẻ phong phú của  cầu nguyện. Mỗi vị có một con đường khác nhau để sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Tất cả vẫn diễn tả được nét chính yếu của việc cầu nguyện đó là sự “gặp gỡ Thiên Chúa”. Tương giao gặp gỡ thì mang nhiều sắc thái : nghe, nói, nhìn, bên nhau, nhận diện, trao đổi...vv.
  Với thực tế, hành trình sống tương giao với Thiên Chúa là một hành trình của đức tin, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải biết khát khao, kiên trì, tìm kiếm. Và sự biện phân của nó luôn là một Ân ban. Một nghệ thuật của bề dày kinh nghiệm với những khẽ chạm của Thần Khí Chúa. Bởi vì, thực ra chính “ Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8, 26)
Bởi đó, cầu nguyện cần có một thái độ nội tâm đúng đắn để có thể mở  ra cho Thần Khí dẫn dắt. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài khi đưa ra hai thái độ cầu nguyện của người pharisiêu và người thu thuế.
“ Hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm pharisiêu, còn người kia làm nghề thu thuế” (câu 10)
Khởi đi từ  một ý hướng tốt lành, muốn gặp gỡ Thiên Chúa và quyết tâm để gặp được Ngài. Cả hai cùng bước vào một hành trình “lên đền thờ”.
 Có lẽ  khởi điểm của mỗi người không giống nhau. Vì họ ở vào hai hoàn cảnh tương phản nhau. Nhưng họ đều  thể hiện lòng khao khát và xác định một không gian cho  cuộc gặp gỡ. Đền thờ là nơi chốn tuyệt đẹp mà cả hai đều chọn để đáp lại một cuộc hẹn hò với Thiên Chúa.  Họ  trải qua  một khởi điểm thật đẹp!
Xuất thân từ hai nguồn gốc khác nhau, nên hai người mang theo những chất liệu cầu nguyện khác nhau. Chất liệu của người Pharisiêu là những ân huệ tốt lành mà Thiên Chúa ban cho ông. Còn người thu thuế là tất cả những gánh nặng yếu đuối phận người đang  hiện thực trong cuộc sống của ông. Cả hai hình thái đều tốt đẹp trước mặt Thiên Chúa.
Chúa Giêsu khi nói về dụ ngôn này, bên cạnh ý nhắm đến xu hướng của những người đương thời thường tự hào cho mình là công chính lề luật để khinh chê kẻ khác. Ở đây, có lẽ thánh Luca còn muốn trình bày cho tất cả những ai muốn trở nên môn đệ của Đức Giêsu, một giáo huấn thâm  sâu hơn trong đời sống cầu nguyện.  Những  tác động của các thần, sự cảnh tỉnh và biện phân. Quả thế thánh sử Luca đã cố ý sắp xếp đoạn văn này tiếp theo sau dụ ngôn “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy”, trong bối cảnh giáo huấn cho các môn đệ của Ngài. Qua đó nhấn mạnh hơn giá trị và sự cần thiết của đức tin trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Và trong hành trình   được ơn công chính hóa.
Hai hình thái cầu nguyện của người Pharisiêu và người thu thuế.
đã làm nổi rõ được hai tình trạng của tâm hồn, hai giai đoạn của đời sống tâm linh.  Điều mà thánh I Nhã đã nói đến, đó là hai hướng đi căn bản của linh hồn và những quy tắc nhận định chuẩn mực của nó.
Khi xem xét, chúng ta để ý đến tình cảm nổi lên trong lòng của hai người cầu nguyện.Tình cảm ấy được bộc lộ qua tư thế và dáng vẻ bên ngoài : Người Pharisiêu “đứng thẳng”. Một tư thế an nhiên đáng thèm của một tâm hồn công chính, tự tin, không vương chút áy náy ái ngại.
 : “ Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, trộm cắp, bất chính, ngoại tình... con ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng 1/10 thu nhập...” Những điều ông kể qua lời thầm nguyện, quả là những việc làm  thật tốt lành. Đó là những ân huệ của Thiên Chúa ban. Ông không có điều gì phiền muộn. Trái lại có vẻ ông rất hài lòng,an tâm hạnh phúc vì những ân huệ đó.
Thế nhưng, điều ông không ngờ chính là sự giả trá của tình cảm đang len lỏi vào tâm hồn và đánh lừa ông. Ông đã  thiếu sự cảnh tỉnh chính mình để sa vào sự dẫn dắt của thần xấu cách  nhẹ nhàng mà ông  không hề hay biết !  Lẽ ra tâm tình biết ơn sẽ càng làm cho người Pharisiêu  nhận ra mình bất xứng hơn trước tình thương lớn lao mà Chúa đã dành ban cho mình, để  đi vào mối tương giao với Ngài cách thâm sâu hơn. Thì trái lại nó  kéo ghì ông không thể đi vào được tương giao với Ngài. Ông đã dừng lại để tự hào, so sánh với người khác, khinh dể người khác và kể công với Chúa  
 Quả vậy, Ngay cả trong những hành vi tốt lành, thánh thiện của chúng ta vẫn không loại trừ sự hoạt động len lỏi của thần xấu. Và mãnh lực tương phản này thật tinh tế, đã đan xen vào cùng với những ánh sáng nhẹ nhàng của Thần Khí. Một sự đan quyện mà ta cần tỉnh thức luôn để chọn lựa mỗi ngày.
Nơi người pharisiêu, bóng tối của sự kiêu căng tự phụ đã lẻn vào cách mau chóng, tinh vi,hợp thời hợp cảnh, và nó đã cầm được bánh lái của nội tâm ông. Phải chăng ông không ngờ vì hoạt động của thần xấu có vẻ như đã đi cùng chiều với Thần Khí. Lối đi của nó cũng nhẹ nhàng và êm dịu như “ nước thấm vào bông gòn và tiến vào linh hồn một cách yên lặng như người ta bước vào nhà mình khi cửa mở sẵn”( theo quy tắc  7 tuần thứ hai số 335 của thánh I Nhã).
 Một thứ ru ngủ và  bình an giả tạo đã dẫn ông đi vào vòng lẩn quẩn của chính mình. Ông đã dừng lại ở đó và không thể đi tiếp  hành trình gặp gỡ với Thiên Chúa.
Thật đáng tiếc! Ông đã không gặp được Thiên Chúa, mà chỉ cuộn tròn trong chính mình. Bởi chỉ dừng lại ở chính mình, nên người pharisiêu cầu nguyện đúng hơn là  độc thoại với  mình. Ông chưa thực sự gặp gỡ được Thiên Chúa và tha nhân.
Điều bi thảm của ông  ở chỗ chính những việc tốt ông làm, và chính những ân huệ tốt lành Thiên Chúa ban  lại là điều cản trở ông tiến vào gặp gỡ Ngài. Ông đã dừng lại ở những ân huệ, những việc ông làm mà không tiến sâu vào được cuộc tương giao với chính Đấng đã ban ân huệ cho ông.  Bước đi của ông nơi đền thờ là những bước lầm lạc, và sa vào bẫy của thần xấu mà  chưa kịp phản tỉnh .Thực sự, ông đã thiếu tỉnh thức để biện phân chọn lựa . Cũng như  ông  đã thiếu bước “xét gẫm” mà thánh I Nhã đã khuyên dạy để nhận định giờ cầu nguyện của mình. Nên thật đáng tiếc hơn, cho tới khi trở về nhà, người Pharisiêu vẫn chưa nhận ra sự lầm lạc của mình. Đó chính là những ngõ cụt trong đời sống cầu nguyện mà tất cả những ai bước vào đều có ít nhiều những trải nghiệm.
Còn người thu thuế thì sao? Xem ra người thu thuế có nhiều sự phiền muộn, áy náy, ân hận về  thực tại của cuộc sống mình. Bằng cớ là ông đã đứng đằng xa, không dám ngước mắt nhìn lên, và luôn đấm ngực ăn năn. Tác động của Thiên Chúa nơi tâm hồn người thu thuế  “như nước chảy trên đá tạo ra những tiếng vang dội” bắt ông phải bước ra khỏi chính mình để suy xét về mình. Và ông đã gặp  được Thiên Chúa ngay khi ông bước ra khỏi  mình.
Thánh Luca thật thành công khi viết bản văn Tin Mừng, đã chọn lựa từ ngữ diễn tả  tư thế cầu nguyện của người thu thuế. Ông “đứng đằng xa”. Một khoảng cách không chỉ diễn tả về không gian trong đền thờ. Nhưng có lẽ còn diễn tả ở một chiều kích thiêng liêng khác trong tương quan với chính mình và  tương quan với Thiên Chúa. Một khoảng cách “ xa”với chính mình để ông ra khỏi  mình. Và một khoảng cách cho những “kinh nghiệm” với Thiên Chúa.  Đó   “trực giác” xảy ra trong khoảnh khắc, của một người vừa nhận ra  sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa. Đấng Tốt Lành và thánh thiện vô cùng.  Cảm nhận của một khoảng cách “thật gần”, nhưng đồng thời lại “thật xa”. Xa vì  được soi mình trong gương của Đấng tốt lành ấy để nhận ra mình thật trần trụi, bất xứng! Để giúp  hiểu được kinh nghiệm này, chúng ta nhớ lại  trực giác của thánh Phêrô khi nhận ra Chúa Giêsu  trên biển hồ đã vội thốt lên rằng : “Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.
 Đối diện thực sự với Thiên Chúa chúng ta sẽ nhận ra sự thật về chính mình. Cũng thế người thu thuế “Thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời” “ vừa đấm ngực vừa thưa rằng : “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Quả vậy,  người thu thuế đã gặp được Thiên Chúa, và lòng thương xót của Ngài đã thực sự sờ chạm Ông.  Ông đã được trở nên công chính.
“Tôi nói cho các ông biết người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (câu 14)
Suy niệm Tin Mừng này chúng ta dễ dàng có cái nhìn phân tách giữa người Pharisiêu và người thu thuế. Hai loại người, hai tầng lớp tương phản nhau trong xã hội. Người pharisiêu điển hình cho người công chính dựa theo lề luật. Còn người thu thuế thì điển hình cho hạng tội lỗi công khai. Nhưng nếu nhìn trong hành trình của đời sống cầu nguyện thì đây là hai hình thái  tồn tại đan xen nơi mỗi người chúng ta. Và Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức, biện phân và lựa chọn mỗi ngày. Hầu mỗi chúng ta hoàn thành những điều Thiên Chúa muốn trong cuộc đời của mình.
Lạy Chúa Giêsu !
Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

Maria.Bernadet




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét