Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

 Câu chuyện :  ĐƯỜNG E MAU
( phỏng theo Lc 24, 13 - 35)
Chú bé lầm lũi bước thất thểu, phải lang thang sau cuộc chia ly của Ba Mẹ …
Còn đâu nữa những lúc được xà vào lòng Mẹ ? xoa đầu của Ba ? bao nhiêu êm đềm đã tiêu tan, sụp đổ.
Những ước mơ thật tầm thường nhỏ bé của chú, cũng đã trở thành mong manh. Lòng chú bé nát tan…dày vò…! có ai hiểu được ?
-        Này chú  bé có chuyện gì ư?
-        “Chắc Ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay ”( Lc 24,18b)
-        Chuyện gì vậy?
-        Câu chuyện của đời chú bé với những nỗi đau đang gặm nhắm….!
-        Này chú bé chẳng hiểu gì cả ! lòng trí chú bé thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! “nào Đấng Kytô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 26)
Hành trình còn xa, đường còn dài,khó khăn vẫn chồng chất… Nhưng lòng chú bé cảm thấy nhẹ nhõm hơn.Tự lúc nào không biết… chú  đã cảm thấy cuộc đời mình được gắn kết với Đấng Kytô. Những đau khổ của chú đã được Ngài cùng đồng hành.
Nhìn chặng đường còn xa, và những tia nắng cuối cùng của hoàng hôn đang rút dần sau rặng núi. Ngày đã sắp tàn và bóng đêm dần đến. Chú bé chợt nhận ra, mình cần lắm một Người bạn Đồng Hành. Bỗng chú bé thảng thốt van nài :
-“ Mời Ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”( Lc 24,29)
……………………………… !!!
Có lẽ đêm ấy thật tuyệt diệu ! chú bé được trải nghiệm với người bạn đồng hành trên đường Emau.  Chú  đã nhận ra Người. Đấng Kytô Phục Sinh Alleluia.

Maria Bernadet



Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

TIN MỪNG CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM A
( Mt 4, 1 . 11)

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng : “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ. Người ăn chay ròng rã 40 đêm ngày, và sau đó người thấy đói”.

* Đó là hoàn cảnh của Đức GiêSu trước khi bị cám dỗ. Mỗi người chúng ta cũng đều có một hoàn cảnh sống cụ thể. Và trong mỗi hoàn cảnh cụ thể đó, chúng ta cũng luôn bị cám dỗ vào ngay những điểm yếu mà chúng ta rất dễ vấp ngã. Chúa Giêsu đã bị cám dỗ hóa bánh ra ăn trong lúc Ngài đang cảm thấy đói.
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi chúng ta có rất nhiều những cơn đói, và chúng ta luôn phải chịu chúng hoành hành. Đó là những cơn đói của dục vọng: đói vật chất, đói tình , quyền lực và danh vọng...vv
Chiến đấu và tự chủ được những cơn đói thể chất ấy, chúng ta sẽ được trải nghiệm với những cơn đói khát tâm linh. Để nhận ra mình thật sự đói khát Thiên Chúa.
* Lạy Chúa xin thêm sức mạnh và ân sủng của Ngài cho chúng con. Amen
Maria - Bernadet

CHUA NHẬT LỄ LÁ NĂM A

 CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A ( Mt 27, 11- 54)

" Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng : " Ê- li, Ê- li, lê - ma - xa - bác tha- ni," nghĩa là : " Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con" ( Mt 27, 46)

Đó là tâm trạng của Chúa Giêsu trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng. Ngài đã phải trải qua cơn khốc liệt đau đớn của tâm hồn. Một nỗi đau vượt xa tất cả những nỗi đau khác của thể lý. Một sự đau đớn, cô đơn  cùng tận đến nỗi Ngài cảm thấy như bị Chúa Cha ruồng bỏ.

Chính Chúa Giêsu đã chịu đau đớn trong tâm hồn đến không còn nỗi đau nào lớn hơn nữa.  Ngài đã chảy đến giọt máu cuối cùng của tâm hồn trước khi  chảy giọt máu cuối cùng của thể xác.
Trong hành trình sống của mỗi chúng ta theo Chúa. rất có nhiều lúc chúng ta cũng gặp những đau đớn tâm hồn và thể xác, cách này hay cách khác.

Những lúc ấy chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá. Chúng ta sẽ thấy Chúa thật gần với con người . Ngài thật gần với mỗi người chúng ta. Ngài đã trải qua… tất cả gấp bội lần trước chúng ta.
 Và chính vì thế Ngài đã rất hiểu chúng ta trong kiếp sống làm người. Ngài đang cảm thông và nâng đỡ từng người chúng ta.

Xin cho mỗi chúng ta luôn tin và cảm nhận được tình yêu, sự nâng đỡ bởi  sức mạnh của Chúa,  để ta kiên trì tiến bước đi trong tình yêu và ân sủng của Ngài.
 Dẫu có nhiều  lúc chúng ta  cảm thấy mình yếu đuối , tưởng chừng như mất hướng và cô đơn trong tâm trạng như bị bỏ rơi .
 Hãy nghĩ rằng chính Chúa đã trải qua cơn khốc liệt này gấp bội lần trước chúng ta.và hãy tin rằng : Ngài sẽ cứu độ và giải thoát chúng ta . Amen



CHÚA NHẬT II PHUC SINH

CÂU CHUYỆN PHỤC SINH  ( Ga 20, 19 – 29)

“ Vào buổi chiều ngày  ấy, ngày thứ nhất trong tuần,  nơi các môn đệ ở,  các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến đứng giữa các ông và nói : “ bình an cho anh em. Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “ bình an cho anh em, như Chúa  cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai  anh em…”  ( Ga 20, 19 - 21)

Câu chuyện Phục sinh là câu chuyện thật đẹp !

Trước hết là niềm vui thật bất ngờ mà Chúa Giêsu  Phục Sinh đã dành cho các môn đệ.

Bất ngờ,  Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến, vượt trên mọi suy nghĩ của các ông.

Bất ngờ khi  trong lúc các ông bất an, sợ hãi..thì Chúa Giêsu đến ban bình an cho các ông.

Thật bất ngờ  đang Lúc các ông thất vọng buồn sầu vì Thầy mình đã chết ,thì Chúa  cho các ông xem tay và cạnh sườn.

Bất ngờ, Lúc các ông co cụm đóng kín cửa lại thì Chúa Giêsu  đã trao quyền và sai các ông đi

Bất ngờ, Lúc các ông nhát đảm, bất lực trong những giới hạn của mình, thì Chúa Giêsu thổi hơi ban sức mạnh Thánh Thần cho các ông

Có lẽ Tin Mừng Phục Sinh là điều cấp thiết cần phải được loan báo.  Nên Chúa Giêsu Phục sinh đã đến giữa các Tông Đồ.  Trước tiên loan báo Tin mừng Phục sinh cho các ông, và sai các ông đi loan báo cho mọi người, ngay cả  khi các ông vẫn  còn  nhát đảm. lo sợ, và đóng kín.

Hôm nay, Chúa Giêsu  cũng dành cho mỗi chúng ta những bất ngờ trong cuộc sống hằng ngày.  Và Ngài cũng  sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng  ngay trong lúc chúng ta còn  những khiếm khuyết  và bất toàn.

Xin cho mỗi chúng ta luôn tin tưởng, phó thác, ý thức và cộng tác tích cực với ơn của Chúa trong sứ vụ đi loan báo Tin Mừng  cho mọi người. Amen

Maria - Bernadet




CHÚA NHẬT PHỤC SINH

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A
( Ga 20,19)

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mác - đa - la . đi đến mộ thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. “ ( Ga 20,1)

“Tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”  Đó là một  trong những dấu chỉ của mầu nhiệm Phục Sinh.
Bà Maria Mác  -đa -la  quả thật diễm phúc ,vì là người đầu tiên được chứng nghiệm mầu nhiệm  Phục Sinh của Chúa.

Nhưng sau biến cố Chúa chết, bà lại quá đỗi buồn sầu nên chẳng nhận ra dấu chỉ này. Bà hốt hoảng tưởng  người ta đã cắp mất xác Chúa rồi. Bà liền vội vã  trở về báo tin cho hai môn đệ  :“ Người ta đã đem xác Chúa đi khỏi mộ, và tôi không biết họ để Người ở đâu? “

Trong cuộc sống,  đôi  khi chúng ta phải chạm trán với những biến cố mất mát đau thương, Lúc ấy Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta đón nhận trong ý nghĩa vượt qua của mầu nhiệm Phục Sinh. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta cứ mãi chìm đắm trong buồn sầu và thất vọng !
Ngay cả những lúc  “ tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” rồi, mà chúng ta vẫn còn hốt hoảng, sợ hãi và khóc lóc.

Hành trình đi theo và tìm kiếm Chúa của mỗi chúng ta không khác gì hành trình của bà Maria Mac -đa-la và tất cả cácTông Đồ. Đó là hành trình của người được chia phần với Chúa trong mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh.
 nhiều lúc qua những biến cố đau thương của cuộc sống, Chúa vẫn rộng ban cho ta những ơn trọng đại để được chứng nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Thế nhưng chúng ta  chưa nhận ra.

Xin cho chúng ta nhận được ơn của Chúa Thánh Thần để nhạy bén nhận ra những dấu chỉ Phục Sinh trong những biến cố của đời sống ta. Nhờ đó chúng  ta được sống  hân hoan và  ra đi loan báo Tin Mừng ơn cứu độ của Chúa. Amen


Maria Bernadet 

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY

" Nói xong, Người kêu lớn tiếng :" Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ ! người chết liền ra, tay chân còn quân vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo : " cởi khăn và vải cho anh ấy đi" 
(Ga 11, 43- 44)
“ Anh Lazarô hãy ra khỏi mồ”

Đó là Lời quyền năng mà Chúa Giêsu đã ban truyền, để cứu sống người bạn yêu quý của Ngài ở Bêtania.

Cuộc sống của mỗi chúng ta vẫn luôn có những nấm mồ, ru ta ngủ  những giấc ngàn thu.
 Đó là những nấm mồ của lòng khép kín, ích kỷ, ghen tương, đố kỵ.
Nấm mồ của những thói hư tật xấu,
Nấm mồ của những trào lưu tục hóa trong nhân loại, đang xâm nhiễm cách tinh vi và cuốn hút chúng ta dần dần.
 Cả những nấm mồ nội tại, len lỏi ngay trong chính những khát vọng chính đáng của mỗi người chúng ta.
Vì thế chúng ta rất cần ơn của Chúa để nhạy bén biện phân. Cần sức mạnh của Chúa để có thể chỗi dậy “ ra khỏi mồ”

Ngày hôm nay Chúa Giêsu vẫn ban truyền những LỜI quyền năng để cứu sống chúng ta. Ngài vẫn mời gọi ta “ hãy ra khỏi mồ”  trong từng trường hợp cụ thể của chúng ta.

Xin cho mỗi chúng ta lắng nghe được LỜI QUYỀN NĂNG của Ngài để chúng ta được Ngài cứu sống . Amen
Maria Bernadet
TIN MỪNG CHÚA NHẬT  IV MUA CHAY

“ Đi ngang qua,  Đức Giêsu  NHÌN  THẤY một người mù từ thuở mới sinh” ( Ga 9,1)

Chúa Giêsu NHÌN THẤY một người mù từ thuở mới sinh.
 Ngài NHÌN THẤY người mù với mọi chiều kích.
 Ngài THẤY  thật sâu thẳm trong tâm hồn người mù.
 Ngài cũng THẤY  những nỗi thống khổ của cuộc đời tối tăm !
 Ngài NHÌN THẤY tình trạng và hoàn cảnh thật đáng thương của anh.
 Và Ngài cũng NHÌN THẤY người này với những khả năng…có thể
Để  trở nên chứng nhân  cho quyền năng của Ngài.

Bởi đó,  Chúa Giêsu đã chủ động “ đi ngang qua”,
 Con đường của người mù đang đi, để có thể gặp được anh.
 Ngài  chủ động chữa lành  không  cần anh ngỏ lời xin.
Đó là cái NHÌN THẤY thấu của tình yêu !

Hằng ngày Chúa Giêsu vẫn chủ động đi ngang qua cuộc đời mỗi  chúng ta.
 Qua những diễn biến thường hằng  và qua các biến cố.
Ngài NHÌN THẤY tất cả tình trạng mù lòa, yếu kém ,
Và NHÌN THẤY thao thức  của mỗi chúng ta
Ngài thấu hiểu  hoàn cảnh của từng người chúng ta.
 Ngài cũng chủ động chữa lành cho ta.

Hãy để cho Ngài chạm vào mắt chúng ta.
 Hãy lắng nghe , và làm theo những điều Ngài chỉ dạy !
 Như Chúa  đã chỉ dạy người mù  đến hồ  si lô ác để rửa mắt

Và như người mù được chữa lành,
Chúng ta cũng hãy can đảm tuyên xưng Thiên Chúa
Cao rao những điều tốt lành mà Chúa đã làm cho chúng ta trong cuộc đời. Amen
( Maria Bernadet)




CHÚA NHẬT  THỨ III MÙA CHAY ( Ga 4, 5.42)

“ Có một người phụ nữ Samari đến  lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “ Chị cho tôi xin chút nước uống” ( Ga 4, 7.8)

“ Chị cho tôi xin chút nước uống” . Đó là câu mở đầu cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari bên giếng nước.

 Một câu gợi thật ý nhị và khéo léo, mà Đức Giêsu đã khơi  lên trong lòng  người Phụ nữ  Samari ý thức về chính mình với những phẩm giá, khát vọng và lầm lỡ.
  
Một cách thế thật tuyệt hảo để có thể tiếp cận với những người có những khác biệt với mình.
 Câu mở đầu ấy của Chúa Giêsu đã khéo léo đến nỗi làm cho chị phụ nữ người Samari này đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác : “ Ông là người Do thái mà lại xin tôi một phụ nữ Samari nước uống sao?”

Với vẻ bên ngoài xem ra đầy những nhơ nhớp, bất chính trong đời tư của chị. Hiện trạng mà chị thường bị mọi người khinh bỉ coi thường. Nhưng Chúa Giêsu lại nhìn thấy tận thâm sâu cõi lòng chị, đã ẩn chứa những khát vọng thẳm sâu mà chị vẫn thao thức  kiếm tìm.

“Chị cho tôi xin chút nước uống” Lời xin đó đã đặt chị nhìn vào tận thâm sâu của lòng chị để ngộ  ra chính mình đang có một cái khát vô biên mà chị chưa hề ý thức.

“ chị cho tôi xin chút nước uống”   là lời mời  thật khiêm tốn và tha thiết của Chúa Giêsu. Ngài  mời gọi chị hãy ra khỏi chính mình để cho đi

“ chị cho tôi xin chút nước uống “ đã giúp chị nhận ra  một phẩm giá cao quý của chính mình mà từ trước đến giờ chị đã bị đánh mất, bởi những vết đen trong quá khứ đời chị.

“ chị cho tôi xin chút nước uống”  Giúp chị nhận ra mình vẫn có giá trị đáng kể để có thể đáp trả một lời mời gọi .

“ chị cho tôi xin chút nước uống”  đã giúp chị nhận ra Chúa chính là nguồn mạch nước hằng sống mà chị cần kiếm tìm.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng ngỏ lời xin mỗi chúng ta : “ chị cho tôi xin chút nước uống”.
Hãy để cho Chúa chạm tới và khơi lên nơi thâm sâu của tâm hồn chúng ta những gì Ngài muốn.
Và  Hãy học nơi Chúa Giêsu một cách tiếp cận tinh tế và khéo léo  đối với những người Samari của thời đại hôm nay các bạn nhé !

Maria  Bernadet