LỜI GỌI TRONG ÂN SỦNG
Suy niệm Tin Mừng (Luca
1,26-38)
Phải chăng mỗi một người chúng ta từ khi hình thành trong thai mẹ, đã nằm trong dự phóng của Thiên Chúa. Và mỗi
một cuộc đời là một hành trình để khám phá ra lời mời gọi cho mình trong ân sủng
của Thiên Chúa?
Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay chúng ta được
mời gọi chiêm ngắm tình yêu thương quá bao la hải hà của Thiên Chúa trong LỜI
MỜI GỌI mà Ngài đã dành cho một Trinh Nữ Ngài tuyển chọn. Đồng thời, chúng ta
cũng được mời gọi để lắng nghe,và chiêm ngắm thái độ đáp trả trong đức tin của
Người Trinh Nữ tuyệt đẹp ấy.
Thật thế, biến cố truyền tin cho Đức Maria
trước hết nói lên một sáng kiến tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa dành cho loài
người. Một ý muốn cứu độ con người của Thiên Chúa và sự chuẩn bị kỹ càng của
Ngài cho chương trình ấy được thực hiện.
Ở ngay câu đầu đọan Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca đã đề cập ngay đến việc “ bà Êlisabét có thai được sáu
tháng” và Thiên Chúa sai Sứ Thần Gáp-ri-en đến với trinh nữ Maria (câu 26). Có
lẽ tác giả Luca đã không vô tình khi sắp xếp mạch văn như thế ! Phải chăng vị
Thánh Sử đã muốn làm nổi bật tình thương và dự định cứu độ của Thiên Chúa từ trước muôn đời? Và Ngài cũng
đã có cả một kế hoạch trong hành trình dẫn dắt đức tin cho người trinh nữ mà
Ngài tuyển chọn.
Nói cách khác, để chuẩn bị một dấu chỉ niềm tin cho trinh nữ
Maria trong biến cố truyền tin, Thiên Chúa đã thực hiện trước một điều chỉ “có
thể” đối với Thiên Chúa, mà “không thể” đối với con người nơi bà Êlisabet.
Chúng ta xúc động biết bao khi cảm ra một vị Thiên Chúa
như thế! Tình thương của Ngài quá tuyệt diệu, vượt lên trên mọi trí hiểu giới
hạn của chúng ta. Chắc hẳn vị thánh sử
Luca đã nếm cảm điều này trong
hành trình được Thiên Chúa dẫn dắt để nhận ra lời mời và sứ mạng của mình... Để
rồi Thánh Sử cũng muốn dẫn dắt chúng ta nếm cảm điều đó trong hành trình đức
tin của từng cuộc đời mỗi chúng ta qua
biến cố “Truyền tin cho Đức Maria”.
Nhìn ngắm biến cố truyền tin nơi Đức Maria, cảm ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành
cho nhân loại trong chương trình cứu độ, chúng ta hãy nhìn lại cuốn phim đời mình trong ân sủng và lời
mời của Thiên Chúa. Chính Ngài cũng đã
phải chuẩn bị trước nhiều lần trong những biến cố của cuộc đời chúng ta, hầu
giúp ta thức tỉnh để có thể nhận ra những dấu chỉ niềm tin cho lời mời của Ngài... Và ta cũng hãy nhìn lại thái độ của mình với thái độ
đáp trả thật đẹp của Đức trinh nữ Maria.
Kế
họach cứu độ Thiên Chúa chuẩn bị từ lâu và bây giờ đã đến thời đến lúc Thiên
Chúa ngỏ lời với con người qua một Trinh
Nữ.
Sứ Thần bước “VÀO NHÀ” trinh nữ
Maria (câu 28) một cách thật tự nhiên, nhẹ nhàng, đã nói lên thái độ cộng tác tích cực để mở ra tuyệt vời nơi cung lòng
Đức Mẹ. Vì thật ra, vị sứ Thần khi truyền tin không chỉ bước vào ngôi nhà vật
chất nơi Đức Maria đang ở, mà Ngài còn thực sự bước vào nơi cung lòng của Mẹ để
mạc khải sâu thẳm cho Mẹ những ý định của Thiên Chúa...
Nếu đếm câu thì trình thuật “truyền tin” này
gồm vỏn vẹn 12 câu. Đó không phải là một
trình thuật dài. Đọc lướt qua 12 câu là
những đối thọai liên tiếp tương xứng giữa Đức trinh nữ Maria và Sứ thần.
-Sứ Thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui
lên...
-Maria nghe lời ấy, bối rối, tự hỏi....
-Sứ Thần nói: “đừng sợ....
-Maria thưa: “.....xảy ra cách nào....
-Sứ Thần đáp : “Thánh Thần....quyền năng Đấng
Tối Cao.....
-Maria nói : “Vâng...xin cứ làm....
-Sứ Thần từ biệt...
Chúng
ta dễ có cảm tưởng rằng đó là một cuộc đối thọai trong một lần gặp gỡ giữa Sứ
Thần truyền tin và Đức Maria. Và vị Sứ thần truyền tin chỉ gặp Đức Maria một lần vào một khỏanh khắc thời gian, không
gian nhất định. Theo nghĩa ấy thì người trinh nữ Maria cũng đã hiểu để thưa lời đáp trả ngay trong một lần truyền
tin ấy. Nhưng nếu chiêm ngắm một cách
sâu xa hơn, chúng ta sẽ cảm nhận rằng : đây không phải chỉ là cuộc đối thọai
của một lần gặp gỡ giữa Sứ Thần và Đức Maria. Nhưng để Maria hiểu được những ý
muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chắc hẳn phải là một thời gian dài cho
nhiều lần BƯỚC VÀO gặp gỡ của sứ Thần và Mẹ, dưới nhiều cách thức khác nhau. Đó chính là
hành trình đức tin mà Mẹ đã trải qua.
Như thế, lời đáp của Mẹ tuy với thái độ mau mắn sẵn sàng, nhưng cũng
không phải là một lời đáp tức khắc của
thời gian để dễ dàng hiểu rõ và cảm thụ được.
Đó là một đáp trả của đức tin trong sự vâng phục hoàn toàn. Chính vì thế, Mẹ
cũng phải trải nghiệm thời gian để bối
rối, sợ sệt, lo lắng, để nghiền ngẫm, suy tư, tự hỏi và khám phá ra ý nghĩa
từ “lời chào” đầu tiên của Sứ Thần...
Lời chào đó có thể hiểu là một “khẽ
chạm” đầu tiên từ phía Thiên Chúa trong cung lòng của Mẹ... để rồi sau một thời
gian suy tư nghiền ngẫm và “ tự hỏi” ... Mẹ đã được “mạc khải” rõ hơn ...được
hé mở dần dần tiệm tiến trong hành trình tìm kiếm và sẵn sàng quy phục thánh ý
Thiên Chúa. Dưới cái nhìn này thì việc truyền tin cho Đức Maria là một quá
trình tỏ lộ cho một lời mời gọi trong ân sủng.
Phải là một hành trình được trải
qua, cả những lúc Đức Maria đã ngộ ra những ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa
trong chương trình cứu độ,nhưng Mẹ vẫn
chưa biết điều đó được thực hiện bằng phương cách nào? Để rồi mẹ vẫn phải tiếp
tục cầu nguyện,lắng nghe, và nhận định để đón nhận những giải thích của Sứ Thần
Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là
Mẹ đã “mở lòng” đón nhận những tác động của Chúa Thánh Thần
xuống trên cung lòng của Mẹ.
Trải qua một cuộc đời đáp trả là một hành
trình “suy đi nghĩ lại trong lòng” của Mẹ...tất cả những gì đã xảy ra nơi thâm
cung sâu thẳm, nơi những cuộc gặp gỡ tuyệt diệu và tràn đầy “mừng vui”, và cả nơi những thác ghềnh, gian khó, khổ đau
... Mẹ đã hoàn toàn tín thác để cho
Thiên Chúa hoàn thành chương trình của Ngài trên cuộc đời của Mẹ. “vâng tôi đây
là nữ tỳ của Chúa xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (câu 38)
Biến cố truyền tin thật tuyệt vời từ ban đầu
nơi ý định của Thiên Chúa,nay lại được
rạng rỡ thêm lên trong sự đáp trả của
Mẹ.Và hành trình đáp trả của Đức Maria như một cuộc “lên đường” tiên khởi trong
chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Thật thế! dù bản văn “ truyền tin” này không
nói đến cuộc “ lên đường” của Đức Maria như trong các biến cố khác đã kể
lại, chẳng hạn như biến cố Mẹ lên đường đi thăm viếng bà Êlisabet, hay Mẹ lên
đường theo Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới ở Cana..., theo Chúa đứng dưới chân thập giá..vv...
Nhưng có lẽ một
cách nào đó thánh sử Luca đã vẫn muốn lột tả khía cạnh “lên đường” trong nội tâm của Mẹ trước khi bước ra các
cuộc “lên đường” khác. Và cuộc lên đường nào cũng phải trải qua những chạm
trán gian khó đầy thử thách...những nghi
ngại và khổ đau...Thực vậy, khi nghiền ngẫm các chuỗi động từ diễn tả thái độ
nội tâm của Đức Maria trong bản văn, chúng ta không thể không nghĩ đến “ một
cuộc lữ hành nội tâm” mà Mẹ đã trải nghiệm qua. Và Thánh sử Luca đã thật khéo
léo để trình bày sắc nét cuộc lữ hành nội tâm này bằng những động từ mang tính cách tiệm tiến nội
dung: Nghe – bối rối – tự hỏi – thưa (trình bày) – nói ( đáp) Chuyển dần từ trạng thái tĩnh sang động, từ nghe đến
nói, từ bối rối đến bình an, từ băn khoăn đến tín thác... “ xin vâng...Chúa cứ
làm”.
Mừng lễ Đức Mẹ Maria Mân Côi, suy niệm biến cố
đầu tiên trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, chúng ta hãy dành thời gian để chiêm
ngắm, cảm ra cách xác tín tình thương của Thiên Chúa và lời mời của Ngài dành
cho mỗi chúng ta đồng thời noi gương Đức Mẹ để mau mắn đáp trả, sẵn sàng cho
một cuộc lên đường dưới nhiều phương diện khác nhau của cuộc đời mỗi chúng ta.
Lạy Mẹ Maria,
Mẹ yêu dấu của con!
Xin Mẹ giúp con
Kiên cường trong đức tin
Nhạy bén trong đức mến
Hầu đáp trả lời mời gọi của Chúa mỗi ngày Amen
-M.Bernadet-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét