Trải nghiệm
MẦU NHIỆM PHỤC SINH và LÒNG THƯƠNG XÓT
(Tin Mừng Ga 20, 19-29)
Tin Mừng hôm nay đã diễn tả thật tuyệt vời những trải
nghiệm của các Tông Đồ trong biến cố Chúa Phục Sinh. Đó là trải nghiệm về một hành trình đức tin và lòng
thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Là những chứng nghiệm về một phạm trù siêu
việt mà con người chúng ta được ân ban vươn đến, được nếm cảm và sờ chạm.
Chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn mình để cùng
trải nghiệm với các tông đồ trong khung cảnh tuyệt vời này dưới nhiều chiều
kích khác nhau:
1-Chiều kích cá vị mang tính cộng đoàn:
Kinh nghiệm về Chúa
Phục sinh luôn là một kinh nghiệm cá vị của mỗi người trong tương quan với
Chúa. Thế nhưng kinh nghiệm ấy lại luôn là một hành trình mang tính cộng đoàn,
được trải nghiệm, chia sẻ, nâng đỡ, được lớn lên và được xác chuẩn trong bầu
khí của cộng đoàn.
Có lẽ vì thế, Chúa Giêsu sau khi sống lại đã hiện ra nhiều
lần với các môn đệ yêu dấu của Ngài để từng bước dẫn dắt các ông đi vào sống
mầu nhiệm Phục Sinh với Ngài.
Vào một buổi chiều thật đẹp !
“ buổi
chiều của ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở,”
Nơi đó là nơi
nào? Thánh sử Gioan được mệnh danh là thánh sử chiêm nghiệm, khi viết đã không
nêu rõ địa danh cũng không ngoài dụng ý của tác giả. Ở đây phải chăng thánh sử
còn muốn nói đến một nơi chốn mang tính cá vị hơn, đó là nơi sâu thẳm của cõi
lòng các môn đệ?
Thật thế! đang
lúc các môn đệ thất vọng, buồn sầu, sợ hãi, co cụm và đóng kín cửa lòng mình
lại thì Đức Giêsu đến.
Ngài không đến
trong tư thế “nằm” của một thi thể đang chết. Nhưng Ngài đã “đứng giữa các
ông”. Tư thế của một người đang sống, một người đã vượt qua mọi thế lực sợ
hãi của tối tăm, sự dữ và sự chết.
Đức Giêsu cũng
không đứng ở ngoài cửa, để chờ đợi các ông mở cửa, nhưng Ngài đã vượt qua mọi
rào cản của không gian, vượt qua cả những rào cản khiếm khuyết của lòng người,
nơi chốn sâu thẳm u tối và khép kín…để đứng giữa các ông.
Lúc mà cuộc sống
các ông đang lấy mình làm trung tâm để co cụm, rã rời, gặm nhấm những yếu đuối,
và buồn sầu đến tột độ, thì Đức Giêsu đến “đứng giữa các ông”
Ngài chuyển đổi trung
tâm nơi từng tâm hồn mỗi người, và nối kết họ, để Ngài trở nên trung tâm
giữa cộng đoàn. là điểm quy chiếu duy
nhất mà tất cả các ông hướng về.
Chính sự hiện
diện của Đức Giêsu Phục Sinh dưới cách
thức là vị trí “trung tâm”của mỗi người và của cộng đoàn mà các môn đệ lãnh
nhận được sự bình an đích thực : “ bình an không như bình an của thế gian ban
tặng”
Một bình an không
phải là các ông sẽ được an nhiên tự tại thoát khỏi mọi khó khăn hiểm nguy đang
rình rập của những kẻ đang tìm cách bách hại các ông.Nhưng là một sức mạnh được
lãnh nhận từ luồng sinh khí mới của Thần Khí.Một sức mạnh Lãnh hội từ sự chứng
nghiệm sờ chạm những dấu vết của Chúa Phục Sinh khiến các ông can đảm đối diện
và vượt lên lướt thắng mọi thế lực của bóng tối để loan báo về một Tin Mừng Phục Sinh.
Đây chính là điểm
cốt lõi của bất cứ một cộng đoàn tông đồ nào được Chúa sai đi, chỉ khi trung
tâm của họ và giữa họ là chúa Giêsu đang sống thì bấy giờ họ mới thực sự là một
cộng đoàn tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu.
Chính vì thế trải
nghiệm mầu nhiệm Chúa Phục Sinh không phải là một trải nghiệm trong khoảnh
khắc, nhưng là một hành trình với lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đó là một kinh nghiệm cá vị nhưng lại luôn
mang tính cộng đoàn. Điều này cũng giải thích cho chúng ta phần nào cái thắc
mắc khi đọc bản văn Tin Mừng rằng : tại sao Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn
đệ của Ngài hai lần với cách thức giống nhau? Lần thứ nhất dành cho 11 môn đệ,
còn lần thứ hai cách đó 8 ngày sau, xem ra như là dành riêng cho môn đệ Tôma ?
Nhưng sao Chúa Giêsu không hiện ra với riêng Tôma mà lại hiện ra thêm một lần
nữa với các môn đệ trong đó có cả Tôma?
Dường như cái
nhìn xót thương của Thiên Chúa luôn là đích nhắm cứu độ bao trùm cho tất cả mọi
người ? dù Ngài vẫn đến chạm từng tâm hồn một cách cá vị.Và Ngài đã kiên nhẫn
thuyết phục “từng cá thể” để đạt đến cho “tổng thể ”?
Việc Chúa Giêsu
Phục sinh hiện đến lần thứ hai vào tám ngày sau đó, mà Tin Mừng đã kể lại, nhằm
diễn tả đường hướng cho tổng thể của Ngài. Qua đó cũng nói lên một tình trạng
không đồng nhất trong mức độ niềm tin
của các tông Đồ.
Sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, quyền lực
của bóng tối vẫn đang là mối đe dọa sợ hãi khủng khiếp bao trùm trong cuộc sống
của cácTông Đồ, những vết thương đổ nát vỡ vụn nơi tâm hồn các ông vẫn còn đó.
Chúng ngự trị và hoành hành khiến cho
tâm hồn các môn đệ thân tín nhất của Chúa vẫn trở nên cứng cỏi, đầy nghi nan.
Một tình trạng khả nghi, chưa tròn đầy trong
niềm tin Phục Sinh.
Do đó trường hợp của Tôma “ không ở với
các tông đồ khi Chúa đến” là thực trạng
điển hình trong mỗi một tâm hồn của người môn đệ Chúa. Tình trạng tranh tối tranh sáng còn đan
quyện. Một tình trạng chưa được thuyết phục để hoàn tòan nộp mình cho Thiên
Chúa.
Sự kiện tông đồ Tôma “không ở với các môn đệ khi Chúa đến”
Chúng ta có thể hiểu xa hơn phạm vi không gian
“nơi các môn đệ ở ” . Nhằm diễn tả
tình trạng không đồng nhất của các Tông Đồ trong mức độ niềm tin. Chính vì thế
đã nói lên cách rõ hơn yếu tố cá vị trong những trải nghiệm về mầu nhiệm Phục
sinh cùng với tiến trình của nó
Điều đáng nói hơn
ở đây là Đức Giêsu vẫn tiếp tục đến với các môn đệ vào tám ngày sau để lặp lại những gì
Ngài đã tỏ lộ với các ông trước đó, với một cách thức y như lần trước. Và đó là
bản tính xót thương vô bờ của Ngài !
Câu mà Đức Giêsu
mời gọi mang tính nhắc nhở Tôma : “ đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” không phải chỉ dành cho riêng Tôma, nhưng là
cho tất cả mọi Tông đồ.
Bằng chứng là lần trước Chúa Giêsu hiện đến
ban bình an, ban quyền và sai các Ông đi loan báo. Nhưng cho tới lúc Chúa đến
lần thứ hai này các Tông Đồ vẫn còn đóng cửa kín và chưa một ai ra đi loan báo
cả. Và vì thế chúng ta cũng hiểu rằng : khi Tôma được chứng nghiệm ân ban từ
nơi chúa phục sinh đã tuyên xưng niềm tin sâu sắc hơn của mình, đó cũng là lời
tuyên xưng của tất cả các Tông Đồ mà Tông đồ Tôma đại diện.
“ Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con”
Một kinh nghiệm
cá vị nhưng lại luôn mang tính cộng đoàn. Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn tại
sao Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra hai lần với các Tông Đồ với một cách thức
giống nhau như một sự lặp lại cần thiết.
2- Chiều kích ứng đáp:
Trải nghiệm về mầu nhiệm Chúa phục Sinh luôn
là trải nghiệm về lòng thương xót của Chúa. Khởi đi từ nơi Chúa, Chính Ngài đã
chủ động đến và ứng đáp tất cả mọi tình trạng tâm hồn chúng ta. Ngay cả lúc
chúng ta yếu đuối, nhát sợ, co cụm, và đóng kín cửa lòng mình lại thì Chúa cũng
vẫn ứng đáp để chữa lành và ban bình an cho chúng ta.
Đức Giêsu Phục
Sinh đã nhìn thấy tận sâu thẳm nhu cầu cần thiết nơi các môn đệ dấu yêu của Ngài, và Ngài đã ứng
đáp ngay :
“ bình an cho anh em, nói xong Người cho các
ông xem tay và cạnh sườn”(
câu 20)
Thật là cảm động
hơn ! khi Đức Giêsu đáp ứng cả trước những đòi hỏi xem ra quá táo bạo của Tôma
“ nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu
tôi không xỏ ngón tay vào dấu đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người,
thì tôi không tin” (câu 25)
Lời bộc bạch này
phải chăng cũng đã chất chứa ít nhiều những khát vọng sâu xa mà Tông Đồ Tôma đã
từng ủ ấp trong lòng?
Và phải chăng chính Chúa đã thấu hiểu tận sâu
thẳm những khát vọng của ông mà chính ông cũng chẳng dám ngờ là mình sẽ được
ứng đáp như thế! Một tuyệt diệu của trải nghiệm!
Làm sao mà Tôma
không thốt lên lời tuyên xưng đầy đức tin ấy được?
“Lạy
Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!”
Chỉ trong khoảnh
khắc Tôma đã cảm nhận thật rõ ràng “Chúa là Thiên Chúa của ông ”Chính Ông cũng
đã trải qua một cuộc vượt qua không kém cuộc vượt qua biển đỏ của dân Ítraen.
Một Thiên Chúa đã từng cứu sống dân tộc của Ngài. Một vị Thiên Chúa trong lịch
sử đã từng làm mọi sự cho dân riêng của Ngài, để dẫn đưa dân Ngài về đất hứa,
nơi sữa và mật.
Một vị Thiên Chúa
đã kiên trì tỏ lộ và Ngài đã hoàn tòan thắng thế nơi tâm hồn Tôma. Hòan toàn
khuất phục và chiếm ngự trong ông, làm chủ đời ông. Một vị Thiên Chúa của ông,
chi phối mọi hoạt động của đời sống ông.Tôma đã nhận ra Ngài, quy phục Ngài và
sẵn sàng nộp mình cho Ngài sử dụng.
Đặt mình trong
hoàn cảnh của vị Tông Đồ Tôma, chúng ta mới cảm thấy thấm thía lòng thương xót
vô bờ của Thiên Chúa. Ngài đại lượng hơn rất nhiều lần những khát mong của chúng
ta. Ngài không từ chối khi chúng ta có những khát vọng về Ngài. Khát vọng để
được một lần trong đời biến đổi nhờ những ân ban được chạm đến Ngài.
Hãy cứ dám khát
vọng và thiết tha kiếm tìm, dù chúng ta vẫn còn nhiều những khiếm khuyết. Và
hãy dám tin tưởng để chờ đợi…và sống khát khao trải nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh
trong từng ngày sống của chúng ta. Chúa
là Thiên Chúa biết ứng đáp mọi khát vọng của chúng ta. Ngài sẽ kiên
trì…để chúng ta sẽ biết thưa lên rằng : “ Lạy
chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con ! ”
3- Chiều kích sai đi :
Trải nghiệm mầu
nhiệm Phục Sinh luôn gắn liền với sứ mạng loan báo. Đó là hệ quả tất yếu của
việc chứng nghiệm
“ như cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” Và trải nghiệm này cũng là một hành
trình mang tính tiệm tiến trải dài suốt
cuộc đời của chúng ta.
Thật thế! Cứ suy ngắm cuộc đời của các Tông Đồ chúng ta sẽ
hiểu hơn trải nghiệm về sứ mạng này. Có
lẽ ngay lúc các Tông Đồ được Chúa cho chứng nghiệm, trao ban quyền năng và sứ
mạng sai đi, các ông vẫn chưa hiểu nhiều.
Cho dù các ông đã
bắt đầu loan báo một cách sơ khởi trực phát ngay với những anh em quen thuộc
chung sống hằng ngày : “ Chúng tôi đã
được thấy Chúa”.Dù cho lời loan báo sơ khởi đó chưa thuyết phục ngay đối
với những người cận kề với các ông là Tôma, nhưng cũng đã nói lên một hệ quả
tất yếu của việc trải nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh. Và lời tuyên xưng rõ ràng
tràn đầy niềm tin sâu xa của Tôma “ Lạy
Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con” trước mặt anh em trong cộng đòan các
Tông Đồ cũng là một Lời loan báo đầu tiên thật đẹp trong việc trải nghiệm về
mầu nhiệm Phục Sinh.
Những lời loan
báo sơ khởi và trực phát đó là nền tảng cho hành trình loan báo sau này của các
Tông Đồ.
Các ông cần phải
trải qua nhiều lần những chứng nghiệm khác, cùng với cách thức tỏ lộ, nâng đỡ
đức tin và dẫn dắt của Chúa Phục Sinh, cũng như phải trải qua hành trình được
biến đổi để có thể trở nên như “ Thầy” trong sứ mạng được sai đến thế gian
.Thầy đã đón nhận lời sai từ Chúa Cha. Thầy đã đón nhận thế nào thì môn đệ cũng
đón nhận thế ấy, không thể khác, và đó là con đường duy nhất của trải nghiệm
mầu nhiệm Phục Sinh trong sứ mạng loan báo.
“ như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”
Lời sai này được
xuất phát từ Thiên Chúa Cha, và phải được thực hiện với cách thức như chính
Chúa Giêsu đã thực hiện, không thể khác được, vì :“ tôi tớ không hơn Chủ”
Sứ mạng đó
các ông được ý thức và lớn dần lên trong hành trình cuộc đời các ông, và
cuối cùng chính các Tông Đồ cũng đã loan báo bằng cái chết để minh chứng cho một niềm tin. Các
Tông Đồ đã hoàn thành lời sai của Chúa Giêsu trong một buổi chiều thật đẹp, “Buổi chiều
ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở ”.
Lạy Chúa Giêsu !
Chúa đã đi vào
vực sâu tối tăm của lòng người
để đặt vào đó một
ánh sáng, một niềm tin, và một lời mời gọi !
Xin hãy đến với
con
Cùng với tất cả
thực trạng của con !
và cho con được
cảm nếm, được sờ chạm
và được nghe thấy
lời mời gọi của Chúa.
Để con cũng được ân phúc
trở nên một tông đồ đắc lực
cho sứ mạng loan
báo Tin Mừng của Chúa.
“như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”
Amen
Maria Bernadet