Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

TỘI LỖI  và  ÂN SỦNG
( suy niệm Tin Mừng Ga 8, 1-11)
Kinh nghiệm về tội lỗi và ơn tha thứ là kinh nghiệm thường ngày của mỗi chúng ta. Là con người, ai không hơn một lần phạm tội và trải nghiệm được thứ tha? Tuy là những trải nghiệm thường hằng của phận người, nhưng vào mỗi hoàn cảnh và mức độ khác nhau, thì kinh nghiệm ấy lại được mang những nét đặc thù riêng biệt. Tin Mừng chúa nhật V mùa chay hôm nay cho chúng ta một trải nghiệm  sâu sắc về  tội lỗi và ân sủng, qua trình thuật  người phụ nữ phạm tội ngoại tình đã chạm được lòng thương xót bao dung của Chúa.Chắc chắn đó là dấu ấn nhớ mãi trong cuộc đời của người phụ nữ này. Và cũng là những kinh nghiệm đáng quý trong hành trình của mỗi chúng ta.

1-       Trải nghiệm - nhận ra mình cần được xót thương:

Một điều rất thường mà chúng ta ít để ý tới  đó là tâm trạng cần được xót thương.Tâm trạng này càng trở nên rõ nét khi chúng ta nhận ra mình thật trần trụi nghèo khó của phận người. Đây cũng là tâm trạng của người phụ nữ ngoại tình bị những người kinh sư và Pharisiêu dẫn đến đền thờ.
Chúng ta có thể tưởng tượng một khung cảnh nơi đền thờ, đông đảo dân chúng tụ họp để lắng nghe Chúa Giêsu giảng dạy, thế rồi những người Pharisiêu và các Kinh sư dẫn đến với Đức Giêsu một người phụ nữ mà họ nói là bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ đặt chị “đứng ở giữa. Một vị trí trung tâm để ai cũng có thể nhìn thấy chị với những vết đen của tội lỗi mà theo luật Môsê là đáng chết.
Đó là vị trí của một tội phạm đã bị kết án.Chắc hẳn chị đã phải tủi nhục và sợ hãi tột cùng khi nghe những lời chửi rủa, mạt sát và khinh dể cười chê. Chị không thể bênh vực cho mình, vì tội của chị người ta đã bắt quả tang rành rành không chối cãi được.Thân phận của một người tội lỗi công khai là vậy.  Dầu như thế nào chăng nữa, giờ đây chị đã bị họ đặt “ đứng ở giữa” để phơi bày tất cả những xấu xa. Đứng ở giữa trung tâm để chịu đựng tất cả những phán xét từ mọi phía dồn về, kể cả những hòn đá mà người ta sẵn sàng  ném cho chị.Và “ đứng ở giữa” để chịu đựng sự giằng co của những thế lực căng thẳng đang đối kháng nhau. Một bên là sự tàn ác  của con người, và một bên là  hiện diện của ân sủng.
 Điều đáng nói hơn, là chính nội tâm chị cũng đang đi vào vị trí ở giữa cái khoảnh khắc đen tối của mặc cảm và niềm tin ân sủng thứ tha. Một khoảnh khắc giữa tuyệt vọng và hy vọng,  giữa bến bờ của sự chết và sự sống.
Phải chăng trong lúc này tâm trạng chị cũng tròng trành đen tối  của một thảm họa thất vọng tội lỗi? chị thật hoang mang, tủi nhục và sợ hãi chẳng dám ngước mắt nhìn ai.Vì chẳng còn một ai có thể hiểu và cảm thông cho chị? Có lẽ  hoàn cảnh trớ trêu mà chị đã yếu đuối phạm tội, chất chứa một nỗi khổ tâm nào đó mà chị đã không đủ sức để vượt qua? Nhưng ai có thể hiểu được cho chị như thế? Trong mắt họ bây giờ chị là người đàn bà hư hỏng, lăng loàn và đáng chết.
 Dù chị có xấu xa đáng chết chăng nữa, thì trong thâm sâu tâm hồn chị  bây giờ vẫn đang cần một ánh mắt cảm thông, xoa dịu nỗi khổ nhục đang dày vò chị? Chị cần lắm một ánh mắt bao dung nhân từ, để có thể giúp chị đón nhận tất cả những thực tại.
Dù cần lắm, nhưng chị lại chẳng đủ tin để dám ngước lên  tìm xem trong dòng người đông đảo này có một ai cảm thông với chị không? Ai là người xót thương có thể nâng chị lên, cứu vớt chị thoát được cảnh đen tối đáng sợ này? Đó là bờ vực thẳm đen tối nơi tâm hồn chị. Đối diện với một ngõ cụt của cuộc đời thì ngõ cụt tuyệt vọng nơi  tâm hồn chị còn khiếp sợ hơn. Chị chỉ còn biết run lên sợ hãi giữa một thế giới của những hòn đá đang chực chỉ ném vào chị. Một bóng đen to lớn sợ hãi đang bao trùm lấy chị. Chị nhận ra mình cần được lòng xót thương của tha nhân.Và từ sự nhận diện này chị đã nhận ra có một tương quan giữa chị với  mọi người đang đổ vỡ do hậu quả của tội lỗi.
Trong giây phút tăm tối này, dù chị không còn đủ niềm tin để dám ước mong một phép lạ nhiệm mầu nào đó giúp cho chị thoát chết. Nhưng hơn lúc nào hết, lòng chị muốn van xin mọi người cho chị một chút tình thương của lòng  nhân hậu. Thế mà dường như tất cả đều từ chối lời van xin thẳm sâu ấy. Và người ta chỉ muốn lên án và ném đá chị.Tất cả đang như muốn đạp nát cuộc đời bầm dập vốn đã khốn khổ và đầy thương tích của chị. Chị chỉ biết cúi gầm mặt xuống trong tuyệt vọng.Và quả đúng như chị đang nghĩ, kìa chị đã nghe rõ mồn một lời kết án đanh thép của họ : “người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Chắc hẳn, giữa tối tăm nghiệt ngã của thế sự này, giữa  cường quyền của luật lệ  thiếu vắng tình thương này, và giữa cái chết gần kề, chị đã hồi hộp mong chờ câu trả lời cuối cùng của Thầy?chị mong manh chờ đợi một lời đáp của Thầy khác với những người đã lôi chị đến đây.Hơn lúc nào hết chị nhận ra mình đang cần một tấm lòng xót thương !
Kinh nghiệm cần đến lòng bao dung của tha nhân vẫn thường trải nghiệm trong cuộc sống của con người ở những mức độ khác nhau:  mỗi lúc ta lầm lỗi , mỗi lúc ta thấy mình cô đơn thất vọng, lúc chúng ta bị rơi vào một hoàn cảnh bi đát của cuộc đời.Và lúc chúng ta nhận ra mình thật trần trụi nghèo khó của phận người. Đó là những lúc chúng ta ý thức mình cần đến sự xót thương vô bờ của Thiên Chúa và tha nhân biết bao. Vượt qua trải nghiệm này, chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta cũng biết cách để xót thương người khác.
2-       Trải nghiệm với thời gian -  một hành trình:
Những đổ vỡ trong mối tương quan, những vết thương do tội lỗi, luôn đòi hỏi một thời gian để được tái tạo. Đó là điều cần thiết trong thân phận con người.
Chúa Giêsu dù rất muốn cứu người phụ nữ đáng thương này thoát khỏi sự tủi nhục bi đát và thoát cái chết này cách mau chóng. Nhưng Ngài cũng không thể thực hiện ngay câu  trả lời với những người trong giới lãnh đạo Do Thái đang chất vấn Ngài: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? " .
Thầy nghĩ sao ư ? Có lẽ điều mà Chúa Giêsu nghĩ là “ xót thương”. Ngài xót thương không chỉ muốn cứu riêng người phụ nữ ngoại tình ấy, mà Ngài còn muốn cứu cả chính những người ác tâm kết án người phụ nữ và mưu mô để tố cáo Ngài nữa. Chúa Giêsu đã biết tất cả, trong lòng những người chất vấn thi hành luật còn mang nhiều những ác tâm. Và Ngài cũng biết trong lòng người phụ nữ đáng thương này còn đang mang nhiều những thương tích cần phải được xót thương và chữa lành!
Vì thế Chúa đã quyết định để cho họ trải nghiệm với thời gian. Một khoảng thời gian đủ để họ lắng dịu tất cả những mưu mô toan tính, những cảm xúc tiêu cực và lắng dịu cả những thương tích do hậu quả của tội lỗi.Chính Chúa Giêsu đã kiên nhẫn để cúi xuống, lấy tay viết trên đất. Một khoảng thời gian  chờ đợi và Ngài mong chờ những gì mới mẻ hơn sẽ được tái tạo lại sau khoảng thời gian lắng dịu ấy…năm phút, mười phút…rồi một hành trình Ngài im lặng!......
 Thế nhưng những người kinh sư và pharisiêu cứ hỏi mãi…Ngài ngẩng lên, đặt thẳng vấn đề để họ tự vấn lương tâm :“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.  Đúng là lời khơi gợi khéo léo, để mời gọi mỗi người nhìn lại chính mình và nhận ra chính mình cũng cần được xót thương.vừa là một lời nhắc nhở tinh tế cho những thói xấu dễ dàng lên án người khác, giống như có lần Người đã giảng dạy:  “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7:3). 
Khơi gợi khéo léo, rồi Đức Giêsu lại tiếp tục kiên nhẫn cúi xuống viết trên đất. Một thời gian Ngài im lặng chờ đợi. Một hành trình đủ để họ nhận ra chính mình. Thế là tất cả cứ lần lượt bỏ đi,kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.  Như vậy, không phải chỉ có người phụ nữ bị tố cáo mới cần đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nhưng tất cả mọi người đều cần đến lòng xót thương của Chúa, cũng như tất cả đều cần có một thời gian như một hành trình để nhận ra chính mình.
3-       Trải nghiệm-  chạm đến lòng xót thương:
Nhận ra mình cần được xót thương mà thôi thì chưa đủ, mà cần phải nỗ lực thực sự để được đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa,nỗ lực để được chạm đến Ngài, nếm cảm sự từ bi nhân hậu của Ngài và kín múc nguồn ân sủng có sức chữa lành mọi dị dạng nhân tính do tội lỗi.
Sau một hành trình đủ để lắng dịu,Thật bất ngờ người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đó đã được chính Chúa Giêsu dẫn đưa vào một bầu khí thật an bình để gặp gỡ riêng tư với Ngài. Đó chính là một ân sủng lớn lao: “Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa”. Vậy là tất cả những người lên án chị đã lần lượt bỏ đi,  áp lực của những lời lên án khinh khi chị không còn nữa, chị không còn phải phân tâm về những người xung quanh. Chỉ còn lại một mình Ngài. Một bầu khí tuyệt vời để chị có thể mở ra với Ngài, để được chạm đến Ngài, để có thể đón nhận lòng xót thương và những ân ban từ nơi Ngài.
 Khi chị đã lắng đọng đủ để nhìn nhận chính mình và những mối tương quan đã đổ vỡ nơi chị. Giờ đây Chúa Giêsu lại nhẹ nhàng khơi gợi để nối kết lại những tương quan ấy:
"Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? " Nếu trước đây lòng chị đã cay đắng thương tích vì những lời nhục mạ của mọi người, thì bây giờ là lúc Chúa nhắc chị hãy rũ bỏ đi những cay đắng ấy vì họ đã không còn lên án chị nữa. Nếu trước đây tâm hồn chị luôn bị dày vò trong những mặc cảm bởi những hành xử và lời kết án của mọi người, thì bây giờ Chúa Giêsu  đang từng bước chữa lành những thương tích ấy cho chị. Ngài gợi mở để chị được giải thoát khỏi những u uẩn ấy đang bám sâu  trong lòng chị. Và từng bước Ngài giúp chị nhận ra rằng không có ai kết án chị cả. “không có ai kết án chị sao?” “ Thưa Thầy không có ai cả”.
Đây là lúc chị được giải thoát tận căn với những mặc cảm, những thương tích bao lâu đã đè nặng trong tâm hồn chị.Và có lẽ câu mà Chúa đã hỏi chị : “ Họ đâu cả rồi” cũng gợi lên một tương quan mới trong lòng của chị? Hãy để cho họ có chỗ trong lòng của chị vì chính họ đã bỏ đi cái vị trí xét xử kết án rồi. Họ đã thay đổi không còn đứng ở chỗ xét xử lên án chị. Còn chị sao vẫn đứng ở giữa? vị trí mà họ  đặt  chị? Và tương lai của chị không còn ở vị trí của người bị kết án nữa. Một tương lai tươi mới đang chờ chị.
 Vì :"Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! "
Sự tuyệt vời là ở đây, chính Chúa Giêsu đã tạo một bầu khí tốt nhất để chị có thể chạm tới được lòng thương xót của Ngài.Chị đã được thoát chết, được chữa lành và được đón nhận ân sủng lớn lao của Ngài để có thể sống một tương lai mới rạng ngời và sung mãn. Tương lai của một con người đã cảm nhận được tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa. Tương lai của một người đã được chỗi dây từ mép bờ vực thẳm của sự chết.  Tương lai của một  người đã được chạm tới lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa. được đón nhận ơn tha thứ thật lớn lao từ trong cõi chết của tội lỗi. Một tương lai của  niềm tin, sự hy vọng và quyết tâm“từ nay đừng phạm tội nữa”

Lạy Chúa Giêsu
Khi con thất vọng bởi những nghiệt ngã của phận người
Xin hãy nâng con lên
 Khi con cay đắng bởi muôn vàn áp lực
Xin hãy tháo gỡ con
Khi lòng con nát tan bởi những thương tích.
Xin hãy nhẹ nhàng để chữa lành con.
Khi tâm hồn con xao động bởi muôn vàn tiếng xung quanh
Xin hãy giúp con được gặp riêng Ngài.
 Xin cho con hiểu rằng ân sủng của Chúa
  Luôn lớn lao hơn muôn vàn lần tội lỗi của con
Và xin cho con được chạm đến lòng xót thương của Chúa,
 Để có thể đón nhận ơn thứ tha và được sống trong ân sủng của Ngài. Amen

Maria. Bernadet
(Mùa chay năm 2016)
.







LÒNG THƯƠNG XÓT
              Một cách tiếp cận tâm hồn.

 suy niệm Tin Mừng  (Lc15,11-32)

Tin Mừng thánh Luca được mệnh danh là thông điệp của lòng thương xót.
Thật vậy, xuyên suốt Tin Mừng Luca đã mang đậm nét về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đặc biệt là dụ ngôn ở chương 15  đã diễn tả thật hùng hồn, lẫn tinh tế  tình thương xót vô biên của Ngài,
qua những hình ảnh vui mừng của người chăn chiên  khi tìm được con chiên lạc trở về, người đàn bà mừng rỡ khi tìm được đồng bạc bị đánh mất. Nhất là hình ảnh của người cha vui mừng khôn xiết  khi tìm được những đứa con đã mất. Qua đó tác giả Luca như muốn trình bày cho chúng ta thấy rõ một cách thế tiếp cận tâm hồn cho một sự đồng hành của lòng thương xót.
Bởi vậy, khi đọc đoạnTin Mừng này, chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn lại chính mình đã bao lần không cảm nhận được tình thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đồng thời không khỏi cảm động trước những cách thế tiếp cận của Ngài.
  Dụ ngôn đã xây dựng được tính cách rất sắc sảo của người con cả và người con thứ , điển hình cho hai trạng thái của tâm hồn trong tương quan với Thiên Chúa, hai giai đoạn trong hành trình thiêng liêng, hai tình trạng rất thực của con người mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có những lần kinh qua. Đồng thời diễn tả một cách độc đáo về lòng thương xót của Thiên Chúa trong cách thế tiếp cận với tâm hồn chúng ta, qua hình ảnh của một người cha thật tuyệt vời.

1- Người con thứ - trạng thái tâm hồn phân tách

Người con thứ, biểu hiện cho hướng đi của tâm hồn ngược lại với những tác động của Thần Khí. Một tình trạng “phân tách”xa lìa đối với Thiên Chúa.
 Anh đã thưa với cha:  “Thưa cha, xin cha chia cho con phần gia sản con được hưởng”( câu 11).  
Dám xin cha một điều mà theo truyền thống Đông Phương lẽ ra anh không được phép xin.Vì khi cha còn sống thì không thể chia gia sản cho con cái.
 Điều này chứng tỏ rằng chính anh đã cảm nhận được tình thương quá lớn của cha, và anh đã dám nại vào tình thương lớn lao đó để xin một điều theo lẽ thường tình mình không được phép xin.
 Cảm nhận được tình thương lớn lao của cha,  có thể xem đó là một khởi điểm tốt trong hành trình của anh. Thế nhưng, thay vì cảm nhận để sống xứng đáng hơn thì anh lại lạm dụng tình thương đó để đòi cha chia gia sản cho anh và quyết định “ra đi” sống xa vòng tay của cha.
Có lẽ một chân trời bên ngoài nào đó đã quyến rũ anh, mà anh chưa biết cảnh tỉnh phân định. Những đam mê  đã dẫn dắt anh đến quyết định chọn lựa hướng “ ra đi”  xa lìa cha anh. Tình trạng của một tâm hồn phân tách. Một tình trạng  đi hoang.
Nỗi xót xa và đau thương, hệ tại bởi anh đã sử dụng tất cả những hồng ân Chúa ban thay vì để phụng sự và vinh danh Chúa, thì ngược lại anh đã  phung phí để tìm kiếm những hào nhoáng thế gian, sự hưởng thụ trác táng.
Quyết định của anh là chọn lựa một hướng đi ngược với những tác động của Thần Khí. Chọn lựa một chân trời nơi đó không có sự hiện ngụ của Cha, và dĩ nhiên là cuộc sống chỉ có những hoạch định của chính mình cho một tìm kiếm những sự ngoài Thiên Chúa, những thỏa mãn  đam mê của một bầu trời tự do thuần thế trần.
Mỗi lần chúng ta có những quyết định chọn lựa không xuất phát từ  sự thúc đẩy của Thiên Chúa, đó là những lần chúng ta đang sống trong cảnh đi hoang và trạng thái phân tách trong tương quan với Ngài.

- Sự tiếp cận của lòng thương xót - một nghệ thuật đồng hành

Trước tình trạng đi hoang , Cha anh đã thế nào? Sự tiếp cận của tình thương Thiên Chúa ra sao?
Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của chúng ta, Ngài vẫn sẵn lòng chia của cải và chấp thuận để chúng ta có một trải nghiệm do quyết định của chính mình, dù đó là những bước trải nghiệm lầm lạc. trải nghiệm của một trạng thái “tâm hồn phân tách”.
Nhưng tình thương quá lớn của Thiên Chúa vẫn sẵn lòng dõi theo, đồng hành một cách âm thầm, và chờ đợi đến khi chúng ta bừng tỉnh trở về. Đó là một cuộc song hành tuyệt diệu do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa trong những trải nghiệm phiêu lưu lầm lạc của mỗi chúng ta.
Thật thế, trong hành trình sống của mỗi chúng ta,Thiên Chúa thấu suốt mọi sự. Ngài vẫn có đó, vẫn hiện diện  đồng hành cả khi chúng ta đi xa Ngài.  Ngài vẫn có vẻ như im lặng trước những bồng bột của chúng ta. Một sự im lặng đầy tính thuyết phục của tình thương.Và đó là một nghệ thuật đồng hành tuyệt diệu của lòng thương xót.
Một cách thế Đồng hành để lắng nghe thật sâu thẳm cả những tiếng thét gào, sóng vỗ, những rũ mời phân cách, những bóng tối len lỏi, và rên xiết của phận người, cùng với những tiếng “rên xiết khôn tả” của Thần Khí ( Rm8,26).
Đọc tiếp những diễn tiến của dụ ngôn này, chúng ta hãy nhập cảnh  để nếm cảm  sự tiếp cận thực sự của Thiên Chúa trên mỗi tâm hồn. Hãy lặng yên ngắm nhìn một sự tương đồng, đối kháng trong tương quan của người cha và đứa con yêu dấu của ông.
Khi đứa con thứ quyết định “trẩy đi phương xa”,lúc nó đã chọn hướng lìa xa cha nó. Nhưng người cha vẫn thật gần với nó.Ông đã cho nó của cải để mang theo, một phương tiện cần thiết để nó có thể ra đi.
Của cải mà người cha cho nó, như một tình yêu của ông tháp nhập theo hành trình của nó, để bảo hộ cho cuộc sống của nó ở nơi phương xa ấy.Người cha cứ vẫn bước theo con, những “bước”thật dài của lòng xót thương để dõi trông nó từng ngày. để cùng đồng hành với nó. Những bước chân của cha là những bước kiên nhẫn đợi chờ !là những bước im lặng dõi theo. Những bước trước của lòng khiêm tốn và tình xót thương.
Mặc dù nơi bản văn Tin Mừng đã không mô tả về những bước chân của người cha theo con. Nhưng chắc chắn rằng trong hành trình của nó, ông đã cùng bước để đồng hành với nó. Bằng chứng là lúc nó trở về, khi nó chưa nhìn thấy ông, thì ông đã “trông thấy nó”.
Lúc “anh ta còn ở đằng xa thì người cha đã trông thấy” (câu 20)
Cái  “Đằng xa” của anh, mang nhiều chiều kích: không gian, thời gian và ngay cả tình trạng của một tâm hồn. Một tâm hồn đầy thương tích đớn đau khiến anh không thể đến gần cha anh được. “Đằng xa” đã định vị cho một khoảng cách do hậu quả của quá khứ mà anh chưa được chữa lành.“Đằng xa”ở đây, cũng chính là vị trí bất xứng “đứng xa xa”  của người thu thuế trong đền thờ cầu nguyện.”
 Đằng xa” của  một khoảng cách cho những kinh nghiệm với Thiên Chúa.Cái khoảng cách mà chính Tông Đồ Phêrô đã nhận ra khi đối diện  thực sự với Thiên Chúa :
“ Lạy Chúa! Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”( Lc 5,8).
 Cái “đằng xa mà chính chúng ta bất lực không thể đến được với Thiên Chúa. Thì Ngài đã chủ động đến trước. Một khoảng cách của trạng thái “tâm hồn phân tách” trong tương quan với Ngài. Và đây chính là giới hạn của thân phận con người, để đợi chờ một sự gần gũi khả thi đến từ Thiên Chúa và sự chủ động của Ngài.
người Cha đã trông thấy” Ông  đã trông thấy khi con ông đang còn ở “đằng xa” với tất cả trạng thái hiện thực.Chính điều nhìn thấy này mà đã làm cho Ông“chạnh lòng thương !”trái tim của Ông run lên bần bật!  và ông chỉ có thể chạy ra ôm lấy con. Đây là một cử chỉ tuyệt đỉnh của lòng xót thương không còn một cử chỉ nào diễn tả hơn thế nữa.
Ông đã thấy nó với tất cả hiện trang, đó không phải là những bước đồng hành cùng nó sao?
Những lúc nó hỉ hoan ăn chơi trác táng là lúc cha nó xót xa đợi chờ !...Những lúc nó lâm cảnh nghiệt ngã của kiếp nô lệ, là lúc cha nó cũng lâm cảnh xót xa không kém !. Lúc nó đói  và ao ước lấy đậu muồng heo ăn, là lúc cha nó còn đói hơn vạn lần, cơn đói của lòng   xót xa  mong mỏi nó trở về.
Những lúc lòng anh thét gào, sóng vỗ, dập vùi bao thương tích. Chắc hẳn lòng Cha cũng quằn quại không kém để thét gào gọi mời?
Lúc mà những “Quằn quại rên xiết của phận người” vang lên, thì cũng là lúc vang lên những “quằn quại rên xiết của Thần Khí”.
 Khi nó còn ở “đằng xa”, lúc nó còn lê những bước chân trở về thật mỏi mệt, thì cha nó đã cất những bước chạy thật nhanh để ra ôm chầm lấy nó. Lúc nó chưa kịp nhận ra cha, Thì người cha đã trông thấy nó với tất cả thực trạng. Lúc nó còn một khoảng cách thật xa với cha, thì người cha đã chạy lại để xóa bỏ khoảng cách ấy. Lúc nó không thể đến được với cha thì cha đã đến với nó.
Những hình ảnh thật tương phản, nhưng lại vẫn cứ tương đồng. Điều đó không phải là những điều cảm động nhất đối với mỗi chúng ta sao?  Hãy lặng yên để cho lòng chúng ta rung cảm!
Đồng hành là thế! Tiếp cận của lòng thương xót vô biên là như vậy!
 “ Ông chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để”( câu 20)
Đây là đỉnh cao tuyệt diệu cho một sự tiếp cận do lòng thương xót!. Một sự kết hiệp huyền nhiệm giữa Thiên chúa và con người !
Chúng ta hãy nhập cảnh và cảm nếm !...để thấy rằng : Thiên Chúa đã ngụp lặn trong tâm hồn, và nó không còn tình trạng phân tách nữa ! Đó là điều kỳ diệu của tình thương vô biên mà chúng ta không thể hiểu thấu…!
Đó  chính là một sự đồng hành thực sự do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
 Đồng hành để nâng con người lên gần với Thiên Chúa.
 Hãy để cho Thiên Chúa tiếp cận tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn mang nhiều thương tích !
Hãy để cho Thiên Chúa tiếp cận tâm hồn chúng ta ngay cả khi ta còn nhiều giới hạn. Và điều chắc chắn sau đó là chúng ta sẽ được Ngài dẫn dắt để phục hồi trong các mối tương quan khác,  được thông chia, cảm nhận trong niềm vui lớn lao của một người cha đã tìm thấy người con mà ông đã mất.Và chúng ta sẽ được rạng rỡ, hạnh phúc trước mặt các giai nhân, đầy tớ và láng giềng.
mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,xỏ nhẫn vào ngón tay, mang dép vào chân cậu, rồi… mở tiệc ăn mừng” (câu22-23)
Một hạnh phúc thật lớn mà tác giả Luca đã trình bày thật khéo léo đầy tinh tế như muốn diễn tả một đường lối sư phạm của lòng thương xót, một nghệ thuật đồng hành do lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa để dẫn con người lên gần với Thiên Chúa và được mở ra trong tương quan với con người.
 Hãy biết để cho Thiên Chúa tiếp cận chúng ta, rồi chúng ta sẽ biết cách tiếp cận với người khác. Hãy biết cùng đồng hành với Thiên Chúa và chắc chắn chúng ta sẽ có những kinh nghiệm để cùng đồng hành với người khác.

2- Người con cả. Trạng thái tâm hồn xơ cứng lối mòn

Người con cả biểu trưng cho trạng thái tâm hồn xơ cứng lối mòn. Anh không quyết định rời xa cha. Anh ở gần bên cha, phụng dưỡng cha mỗi ngày, nhưng tâm hồn anh lại xơ cứng với những lối mòn cũ kỹ của bổn phận, tình yêu nhạt nhòa và chẳng có sáng tạo. Như thế  tâm hồn anh chẳng có cùng một nhịp đập với cha anh.
Chọn lựa căn bản của anh là chọn lựa ở bên Cha. Khởi đi là một chọn lựa đẹp ! Chắc chắn anh đã từng cảm nhận tình thương lớn lao của Cha đối với anh, nên anh mới có sự chọn lựa tốt đẹp này. Hướng đi căn bản ban đầu của tâm hồn anh là hướng cùng chiều với những tác động của Thần Khí. Thế nhưng ngay trong hướng căn bản tốt lành vẫn không loại trừ tác động của thần xấu đan xen lôi kéo, mà anh đã không cảnh tỉnh biện phân đủ, để ngày ngày trở nên chỉ còn là những lối mòn xơ cứng, khiến anh cũng không thể tương quan đích thực đúng nghĩa với cha anh được. Ở bên cha nhưng lòng anh lại không cùng nhịp đập với cha. Tương quan cha con nhưng thực lại là tớ chủ.
Đó chính là điều bi thảm cho những tâm hồn thánh thiện nhưng lại thiếu những cảnh tỉnh biện phân để chọn lựa mỗi ngày.
Lối mòn xơ cứng làm cho anh không những không sống được tương quan đích thực với cha mà cả với em của anh nữa. Sự đỗ vỡ trong tương quan với Thiên Chúa sẽ dẫn đến đổ vỡ trong tương quan với con người. Anh đã không mở lòng để đón nhận sự trở về của đứa em đáng thương đáng quý kia. Ở nhà, nhưng anh đã không chịu vào nhà. Đây cũng là trạng thái thường gặp nơi tâm hồn mỗi chúng ta.
Mỗi lúc chúng ta sống với Chúa chỉ là bổn phận. Mỗi lúc chúng ta không vui được với hạnh phúc cơ may của người khác. Mỗi lúc chúng ta không sống cùng với nhịp đập của Thiên Chúa trong yêu thương…vv

- Sự tiếp cận của lòng thương xót – nghệ thuật đồng hành

Thái độ của người Cha thế nào?
Sự tiếp cận của lòng thương xót Chúa biểu lộ ra sao?
Chúng ta hãy chiêm ngắm và nhập cảnh để cảm nhận một cách thế tương phản của Thiên Chúa đối với trạng thái xơ cứng nơi tâm hồn. Để cảm ra tình thương bao la tuyệt vời của Ngài.
 Dường như đối với những tâm hồn xơ cứng thì Thiên Chúa lại tỏ ra rất mềm mại để tái tạo một sự quân bình mới mẻ cho chúng ta.
Người cha đã chịu  “bước ra” năn nỉ để cho đứa con của ông chịu “bước vào” nhà. Và từng bước, từng bước mềm mại của đối thoại, Ông đã đặt con trai của ông phải suy nghĩ lại trong cái nhìn của chính nó. ông đã chọn lựa từng lời tương phản để đối thoại tương đồng với nó.
Nó nói: “ cha coi đã bao năm con hầu hạ cha…”
 cha trả lời  :“ con à, lúc nào con cũng ở với cha”.
Khi người con cả thốt lên : “còn thằng con của cha…”
 thì người cha trả lời : “ phải vui mừng vì em con đây…”
Cũng thế khi người con cả tính toán: “chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê …”
Người cha giải thích : “ tất cả những gì của cha đều là của con…”
Cách tiếp cận của lòng thương xót là thế!
Nghệ thuật đồng hành là thế !
 Thiên Chúa đồng hành với con người. Ngài đã chịu “ bước ra” cùng với trạng thái của phận người, để thông chia và lắng nghe nơi sâu thẳm  tâm hồn chúng ta những tiếng rên xiết xơ cứng nghiệt ngã của phận người mang thương tích. Để đón nhận và gánh lấy tất cả những thương tích ấy. Để  cùng làm vang lên những tiếng “rên xiết khôn tả của Thần Khí”. hầu giúp tái tạo mang lại cho chúng ta  một trạng thái mới,  an bình và triển nở.
Hãy biết để cho Thiên Chúa cùng đồng hành với chúng ta trong những trải nghiệm đớn đau của phận người. trong những trạng thái hiện thực của tâm hồn  Và trong tất cả những gì thực sự chúng ta “Là”.  Cả trong những ân sủng Ngài ban. Để rồi chúng ta cũng sẽ biết cách trải nghiệm đồng hành cùng với người khác, hầu giúp nhau thăng tiến và triển nở hơn.
Suy niệm Tin Mừng hôm nay trong chiều kích một sự tiếp cận do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, mỗi chúng ta được mời gọi  can đảm để nhận diện trạng thái của chính mình trong tương quan với Thiên Chúa. Để cảnh tỉnh biện phân và chọn lựa mỗi ngày.
Thực ra  hình ảnh của hai người con trong dụ ngôn, hai trạng thái tâm hồn mà chúng ta cần nhận diện không tách rời nơi mỗi người chúng ta. Phút lắng đọng để nhìn lại cuộc sống chính mình có những lúc ta bắt gặp mình trong trạng thái của người con cả và cũng không ít lần chúng ta thấy mình đang trong trạng thái của người con thứ.
Quả thế ! và bên cạnh đó lời mời rên xiết của Thần Khí vẫn cứ vang lên, vang lên trong mỗi trạng thái đặc thù và trong mỗi hoàn cảnh cuộc sống ta.
 Hãy biết khát khao trở về, và hãy biết để cho Thiên Chúa tiếp cận chữa lành, nhào nắn, tái tạo và giúp chúng ta ngụp lặn trong tình thương vô bờ của Ngài. Và hãy biết khát khao để học nơi Thiên Chúa một cách tiếp cận tâm hồn, để danh Chúa được rạng sáng hơn. Amen

-Maria Bernadet-













CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU TRONG CUỘC KHỔ NẠN
( Lc 22,1- 23,49 )
Bước vào tuần thánh,Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, để nhận ra tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Hầu thay đổi cuộc sống mình cho xứng đáng hơn với tình yêu và ân ban của Ngài.
1-Đức Giêsu gần với phận người
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, tôi thấy Ngài thật gần với phận người.Chúa Giêsu cũng cảm thấy xao xuyến, bồi hồi trước khi bước vào khổ nạn. Ngài đã bộc bạch:"Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.16 Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa."
Lời bộc bạch này chẳng phải làkhát mong được ở gần mãi với các môn đệ đó sao?Đó là lời bộc lộ của tình yêu.Đặc tính của tình yêu là luôn muốn được ở gần và nên một.Và Ngài đã thực hiện ước muốn ấy:  «  Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy."
Hơn thế nữa, Chúa Giêsuđã thân tình,bộc bạch với từng người môn đệ theo tính cách riêng của họ, để nhắc nhở,thức tỉnh, và cảm hóa họ. Một Giuđa phản bội.Một phêrônhát đảm chối Ngài. Vàvới tất cả môn đệ ham muốn địa vị,đang tranh cãi xem ai là kẻ lớn nhất ?Ngài nhẹ nhàng khuyên dạy:
 « kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ » và « Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ ».
Những cử chỉ dạy bảo thân thương đó, chứng tỏ Chúa Giêsu thật gần với con người.Ngài hiểu và cảm thông với những yếu đuối của phận người, và Ngài đã cúi xuống để chia sẻ và nâng con người lên với Ngài.Ngài luôn khát mong chúng tasống gắn bó,thông chia tình yêu và sứ vụ của Ngài.Chính Ngài đã nói lên ước vọng đó với các môn đệtrong giờ phút quyết liệt nhất bước vào khổ nạn :  "Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan.29 Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy. »30
Chúa Giêsu cũng đang thật gần với tôi. Ngài cũng bộc bạch và khao khát tâm hồn tôi!
Chúa Giêsugần với phận người.Ngài cũng cảm thấy cô đơn.Một cô đơn hãi hùng nơi vườn Dầu đến mồ hôi máu.Các môn đệ thân tín thì ngủ say. Tâm hồn Ngài «  lâm cơn xao xuyến bồi hồi ». Đối diện với cuộc thương khó sắp đến, Ngài vẫn mong được cất khỏi chén đắng khủng khiếp này :
 "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.".
Chúa Giêsu gần với phận người, Ngài đã chịu cô đơn suốt hành trình khổ nạn.
Lúc bị bắt, chính môn đệ Giuđa mà Ngài đã nhiều lần thức tỉnh, đã dùng cái hôn để nộp bắt Ngài.Các môn đệ khác đều sợ hãi trốn chạy.Những kẻ canh giữ Đức Giêsu thì nhạo báng đánh đập Ngài.Chúng thốt ra nhiều lời xúc phạm đến Ngài.
Trước thượng hội đồng, Chúa Giêsu càng cô đơn hơn nữa, vì chẳng có một ai bênh vực Ngài.Những người có thẩm quyền như Philatô, dù không thấy tội gì ở nơi Ngài cũng rửa tay vô can.Dân chúng thì tố cáo và nhất mực đòi đóng đinh Ngài.Phêrô  theo Ngài ở xa xa, thì lại chối Ngài.
Đường lên núi sọ, Chúa Giêsu ngã nhiều lần, không còn sức để vác nổi thập giá,chẳng có một ai thân thiết vác đỡ.Cuối cùng họ bắt một người ngoại đạo Simêon vác đỡ cho Ngài.
Nơi thập giá,Chúa Giêsu  cô đơn tột đỉnh, vì chẳng có ai đồng cảm với Ngài, các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! "36 Lính tráng cũng chế giễu Người. chỉ còn lại mấy người phụ nữ trung thành, nhưng họ cũng chỉ đứng tự đàng xa.
Ngài thật cô đơn trong thân phận người tử tội. Đến nỗi chính Ngài đã cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng bỏ rơi Ngài.Một Thiên Chúa vô tội mà phải chịu thân phận như thế,chẳng phải là Ngài đã cúi xuống tận cùng của kiếp người đó sao ?  Một Đức Giêsu thật gần với phận người!
Ngài thật gần với tôi trong những đau thương của cuộc đời.Ngài gần với tôi trong những nhọc nhằn xao xuyến của cuộc sống. Ngài gần với tôi trong nỗi cô đơn đau đớn của bệnh tật. Ngài gần với tôi trong những giới hạn oan khiên, sóng gió đẩy đưa của kiếp người. Và dù  chẳng hề phạm tội nhưng Ngài vẫn gần với tôi cả trong những đắng cay thương tích của tội lỗi.
2-Đức Giêsu-Thiên Chúa tình yêu
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn,Tôi nhận ra Ngài là Thiên Chúa tình yêu. Quyền lực của Ngài là quyền năng  yêu thương.Ngài không chọn một con đường khác mạnh mẽ và uy thế để triệt hạ những bạo tàn của quyền lực nhân loại. Nhưng ngài đã chọn con đường yêu thương để xóa tan sự dữ.
Trướcnhững biến cố dồn dập, những lần bị áp giải đổi thay liên tục,những đợt sóng thù hận giận dữ, tiếnggào thét đóng đinh ngày càng vang dội như muốn xé nát tấm thân vạm vỡ của Chúa Giêsu còn trai tráng. Nhưng Ngài vẫn bình lặng và yêu thương.
Sự bình thản của Ngài đến kỳ diệu!
Bởi lẽNgài đã tự nguyện hiến tế,đón nhận tất cả với lòng yêu mến vâng phục Chúa Cha, và yêu thương cứu độ con người
Khi Giuđa, người môn đệ phản bội đến ômhôn để bắt Ngài, Ngài nhẹ nhàng nhắc nhở:"Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? "49
Khi quân lính hung hãn đem gươm giáo gậy gộc, đến bắt Chúa Giêsu như bắt một tên cướp,  Ngàihiền hoà chất vấn :. "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến?53 Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt…”
Lúc bị vây bắt trong bầu khí tàn bạo của những kẻ khát máu, Chúa Giêsu vẫn cư xửvới lòng nhân hậu. Ngài đã giơ tay chữa lành tai cho tên đày tớ của Thượng Tế, và truyền cho các môn đệ :“ thôi, ngừng lại” ( đút gươm vào vỏ)
Khi bị áp giảitrở đi trở vềtrước tòa Philatô và Vua Hêrôđê Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn im lặng. Bị quân lính canh giữ nhạo báng đánh đập, bị các Thượng Tế và Kinh Sư  tố cáo dữ dội, và nhất là bị dân chúng đua nhau la hét đòi đóng đinh. Ngài lặng lẽ bình thản.
Chính lúc sôi động và cuồng bạo nhất, Ngài vẫn quên mình để lo tìm nhìn người môn đệ dấu yêu đã nhát đảm chối Ngài. Và cái nhìn trìu mến đã thức tình tâm hồn người môn đệ Phêrô
Trên đường lên núi sọ dù kiệt sức nhiều lần ngã xuống, Chúa Giêsu vẫnan ủinhững người phụ nữ thành Giêrusalem đang thương khóc.
Trên thập giá, dù đớn đau lâm trận  cơn hấp hối, Chúa Giêsu vẫn hứa ban nước thiên đàng cho người trộm lành.  Lúc phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha, Chúa Giêsu đã xin tha cho tất cả mọi người đã sỉ nhục, đánh đập và giết Ngài. Một tình yêu xóa tan hận thù. Một tình yêu vượt trên mọi tình yêu !
Những bạo tàn và bóng tối tưởng chừng thắng thế đã giết lấy Đức Giêsu.Nhưng Ngài đã vượt lên trên tàn bạo ấy bằng một tình yêu cao cả, không chua cay, không hằn học, không ước muốn trả thù.Ngài đón nhận tất cả sự từ bỏ và loại trừ  của con người. Chính Ngài đã tự nguyện đi vào ngục tù tối tăm của nhân loại, nơi  bóng tối của bạo lực và bất công, để đặt vào đó một ánh sáng, một tình yêunguyên tuyền không vẩn đục. Tình yêu Ngài đã chiến thắng.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đi vào những ngõ ngách còn tối của cuộc đời tôi, và chính Ngài cũng đặt vào đó một niềm tin, một ánh sáng và một lời mời gọi.
Lạy Chúa Giêsu !
Xin hãy chiếm lấy con
Để lòng con bớt đi những ngõ ngách tối tăm
Và cuộc đời con mỗi ngày được sáng hơn. Amen
(Maria. Bernadet.)